Làm rõ nguyên nhân nhiều dự án chậm triển khai tại Hà Nội

Minh Khang| 09/12/2021 21:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại các địa phương Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức, nhiều dự án đã 10 năm sau khi thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng nhưng chưa tiến hành xây dựng, để cỏ mọc hoang, gây lãng phí, mất mỹ quan.

Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu đã bày tỏ nghi ngại về việc một số dự án trên địa bàn đã được trao giấy chứng nhận đầu tư nhưng quá trình triển khai chậm so với cam kết ban đầu.

Về nội dung này, ông Lê Vĩnh Sơn (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) nêu câu hỏi, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhưng đến nay chưa được thực hiện, vậy đâu là nguyên ngân và giải pháp đôn đốc trong thời gian tới như thế nào?

Cũng liên quan đến dự án chậm triển khai, ông Vũ Mạnh Hải (tổ đại biểu huyện Thường Tín) đặt vấn đề có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu, vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp trong thời gian tới.

Một số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cho rằng, việc chậm đưa dự án vào hoạt động gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, giảm giá trị đầu tư nên thành phố cần có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài dự án.

Các địa phương có nhiều dự án sử dụng đất chậm đi vào hoạt động là Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức…. Tại các địa phương này, nhiều dự án đã 10 năm sau khi thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng nhưng chưa tiến hành xây dựng, để cỏ mọc hoang, gây lãng phí, mất mỹ quan.

Vấn đề này đã được các kỳ họp Hội đồng nhân dân trước chất vấn các bên liên quan quan nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến.

Tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) chất vấn, "qua tái giám sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố tháng 5/2021 cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố vẫn còn phát sinh một số dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết nguyên nhân, giải pháp?"

Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về nội dung nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố chậm triển khai. Đó là dự án nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong và Đồng Ké ở huyện Chương Mỹ; Châu Can (Phú Xuyên)… đã được phê duyệt chủ trương đầu tư những năm 2015 nhưng đến nay chưa thể triển khai xây dựng.

Được phân công giải trình những nội dung chất vấn của các đại biểu, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thực hiện các biên bản ghi nhớ tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố, từ năm 2017 đến nay, đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn hơn 548 ngàn tỷ đồng. Hiện có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án còn chậm do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật Đầu tư; một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. Mặc dù vậy, ông Tuấn thừa nhận: "Việc chậm có trách nhiệm của các sở, ngành trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư."

Cho biết về giải pháp đôn đốc các dự án chậm triển khai trên địa bàn, theo ông Đỗ Anh Tuấn, ngoài đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Sở sẽ tham mưu với thành phố giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở, ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục.

Ngoài ra, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra, kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp đối với các dự án chậm triển khai, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

Liên quan đến các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội thông tin, quá trình rà soát, Sở nhận thấy có 30 dự án được kiến nghị thu hồi, nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng.

Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ nguyên nhân nhiều dự án chậm triển khai tại Hà Nội