Năm 2004, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó yêu cầu tỷ lệ sản xuất trong nước các loại xe thông dụng, xe chuyên dùng phải đạt 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010.
Tỷ lệ nội địa hóa các loại xe du lịch cao cấp phải đạt 20-25% vào năm 2005 và 40-45% năm 2010; các loại xe tải, xe khách cao cấp được xác định đạt 20% tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2005 và 35-40% vào năm 2010. Thế nhưng, đến nay một loạt “chỉ tiêu” đặt ra cho ngành công nghiệp vốn được xác định là mũi nhọn này đã lần lượt thất bại.
Cách đây mấy năm, sau khi Bộ Tài chính công bố một loạt kết quả điều tra về tỷ lệ nội địa hóa tại các doanh nghiệp ôtô, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục theo đuổi công nghiệp ôtô nữa.
Ở thời điểm năm 2009, tại Toyota Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa bình quân là 7% giá trị xe, trong khi theo giấy phép đầu tư cấp lần đầu thì tỷ lệ nội địa hóa phải đạt ít nhất 30% sau 10 năm, kể từ 1996. Tại Suzuki, tỷ lệ nội địa hóa chỉ 3%, trong khi yêu cầu trong giấy phép đầu tư là phải đạt 38,2% vào năm 2006. Ford Việt Nam còn đạt thấp hơn nữa, 2%...
Hiện nay, thị trường sản xuất ôtô chỉ ở mức 120.000 chiếc/năm, thậm chí dự báo chỉ đạt khoảng 80.000 chiếc trong năm nay. “Miếng bánh” nhỏ bé được chia cho hơn 20 hãng xe thì việc giữ được vốn đã rất khó chứ chưa nói đến cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, rồi làm ăn có lãi.
Theo lộ trình, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN + (bao gồm cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản) sẽ về mức 0-5%. Dự báo lúc đó, các loại xe nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam với mức giá bán thấp và chuyện hàng loạt hãng xe có mặt tại Việt Nam dừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, nếu không nhanh tay và quyết liệt thì công nghiệp ôtô sẽ không thể thành công. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất ôtô không phải là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên dồn sức cho những ngành có thể cạnh tranh được như công nghiệp IT. Với ngành ôtô, nên chọn sản xuất một vài phần mà ta có thế mạnh trong chuỗi sản xuất ôtô thôi. Ý kiến khác thì cho rằng, “làm nhà thì phải làm từ móng”. Chúng ta cứ lo làm đường xá cho tốt đã, rồi hãy lo sản xuất ôtô.
Trung Nguyễn