Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, lượng giao dịch ngân hàng qua Internet Banking rất lớn, đặc biệt là chuyển lương, thưởng, mua, bán hàng, chúc tết,… Vì vậy có không ít giao dịch chuyển nhầm tiền cho chủ sở hữu khác.
Sáng 5/1, thông tin từ UBND xã Sơn Hà (huyện Nho Quan, Ninh Bình) cho biết, người dân và chủ tài khoản chuyển nhầm 290 triệu đồng đã bàn giao, nhận lại tài sản tại cơ quan công an.
Trước đó, vào chiều 31/12, chị Trần Thị V. (trú tại tỉnh Thái Bình) có chuyển nhầm vào số tài khoản của bạn Bùi Tuấn Anh (26 tuổi, trú thôn Trung Thanh, xã Sơn Hà) số tiền 290 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được số tiền không rõ nguồn gốc, anh Tuấn Anh đã báo lên Công an xã Sơn Hà để trả lại cho người chuyển nhầm. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định người chuyển khoản nhầm là chị V. Chị V. chuyển nhầm cho anh Anh khi chuyển tiền vào tài khoản của người thân để chữa bệnh cho mẹ tại Hà Nội. Khi nhận được tài sản, chị V. cảm ơn anh Tuấn Anh và cơ quan công an.
Việc chuyển nhầm tiền không phải ra chuyện hy hữu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại Thanh Hóa, ngày 4/1, chị Nguyễn Thị Phượng (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) bất ngờ nhận được 25 triệu đồng từ người lạ. Ngay sau đó có người liên hệ trực tiếp với chị để xin chuyển lại tiền. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên chị Phượng báo cho ngân hàng để giải quyết. Sau khi ngân hàng hỗ trợ, xác định là chuyển nhầm từ chủ tài khoản có địa chỉ rõ ràng, chị Phượng đã trả lại số tiền trên.
Theo cơ quan công an khuyến cáo, càng về gần Tết Nguyên đán, tình hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng có dấu hiệu gia tăng, người dân cần phải đề phòng, cảnh giác. Khi nhận được tiền từ tài khoản của người lạ, cần nhanh chóng trình báo cho cơ quan chức năng, công an phường, ngân hàng để phối hợp giải quyết. Khi xác minh được chủ tài khoản chuyển đến thì nhanh chóng trả lại tài sản cho khổ chủ.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) cho biết: Việc nhặt được tài sản hoặc nhận được tiền qua tài khoản của người khác chuyển nhầm thì người dân cần báo cho cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu. Đồng thời loại trừ được khả năng trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Chị Phượng bỗng nhận được tiền từ người lạ qua tài khoản
Trường hợp, người dân cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị xử lý theo quy định tại Điều 176 BLHS năm 2015, tội chiếm giữ trái phép tài sản:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.