Tin địa phương

Lâm Đồng: Quản lý chặt chẽ chất lượng sầu riêng

Bình An 11/04/2025 - 17:20

Trước thềm vụ thu hoạch sầu riêng tại các vùng trồng trọng điểm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND thành phố Bảo Lộc tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh sầu riêng Lâm Đồng đang khẳng định vị thế là một trong những vùng sản xuất chủ lực của cả nước. Với tổng diện tích đạt 25.610 ha, sản lượng ước tính năm 2024 lên đến 175.282 tấn.

z6495210771387_f23af163b2206113165abd99c6e97858(1).jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Sầu riêng Lâm Đồng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng. Đặc biệt, nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành sầu riêng của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên và sản lượng, ngành sầu riêng Lâm Đồng cũng đang đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Tình trạng một số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo về dư lượng kim loại nặng (Cadimi), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và việc sử dụng chất cấm Vàng O đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết phải nâng cao công tác quản lý chất lượng một cách toàn diện và quyết liệt.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến sâu rộng về các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu. Các biện pháp tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và tuyệt đối không sử dụng chất Vàng O trong quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản sầu riêng đã được nhấn mạnh.

z6495210766232_40a4e73181d2b7c7b7b7949bc844f001.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: "Để tăng cường quản lý chất lượng của các lô hàng trái cây xuất khẩu, bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, yêu cầu đặt ra cần phải chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng KDTV tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương; đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt kiểm soát kim loại nặng Cd, Pb trong sản phẩm và tuyệt đối không sử dụng chất cấm Vàng O trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị đã chủ động giám sát 116 vùng trồng và cơ sở đóng gói, lấy 759 mẫu sầu riêng để kiểm định. Kết quả cho thấy phần lớn các mẫu đều đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên vẫn còn phát hiện một số mẫu nhiễm rệp sáp và một vài mẫu có hàm lượng Cadimi ở mức rất thấp (dưới ngưỡng cho phép của Trung Quốc).

Sở đã kịp thời thông báo và yêu cầu các vùng trồng có liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục. Đặc biệt, kết quả phân tích mẫu đất và mẫu nước tại các vùng trồng cho thấy không phát hiện nhiễm Cadimi, cho thấy nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố khác trong quá trình canh tác và thu hoạch.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định đến người dân và doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và thời gian cách ly.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng sầu riêng.

Ý kiến từ các hợp tác xã và doanh nghiệp được Sở Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận và tổng hợp để xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Quản lý chặt chẽ chất lượng sầu riêng