Bỏ qua số nợ hơn 20 tỷ đồng trong vòng 10 năm, người ta quan tâm nhiều hơn đến chữ "Hiếu" trong chuyện của Đàm Vĩnh Hưng tự "vạch áo cho người xem lưng" thời gian vừa qua.
Người hy sinh tất cả vì con
Từ trước tới nay, Đàm Vĩnh Hưng rất ít khi nhắc tới cha mẹ và người thân. Nhưng anh luôn dành những từ ngữ thành kính để nói về mẹ ruột của mình, dù bà đã gây ra cho anh không ít rắc rối.
Đàm Vĩnh Hưng có một tuổi thơ không êm đềm
Tôi còn nhớ câu chuyện mà Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ cách đây một vài năm, rằng biến cố gia đình cứ xảy ra dồn dập khiến tuổi thơ của anh dần mất đi sự êm đềm vốn có. Trong ký ức, Đàm Vĩnh Hưng luôn nhớ tới hình ảnh tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi, và cuối cùng, ngay cả căn nhà để ở cũng chẳng thể giữ được. Cái cảm giác nhìn ba mẹ ngậm ngùi ôm đống đồ bước ra khỏi chính ngôi nhà của mình là cái cảm giác mà Đàm Vĩnh Hưng tâm sự anh suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên. Khi đó, dù chỉ là một đứa trẻ, anh cũng chẳng tránh khỏi cảm giác tê tái và nghẹn ngào.
Rồi Đàm Vĩnh Hưng vào tu viện để theo học từ khi còn rất nhỏ. Ở tu viện, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu hát những ca khúc đầu tiên của cuộc đời trong dàn thánh ca. Cũng từ đây, cái nghiệp cầm ca ở anh nảy nở. Đến khi ra khỏi tu viện rồi, cậu bé Hưng vẫn đạp xe từ nhà lên sân khấu 70 Phú Nhuận để nghe hát. Nhưng cậu chỉ thích đi coi hát một mình, đến nỗi những người coi rạp mãi rồi cũng quen với sự có mặt của Hưng, coi Hưng là một kẻ “lạ đời” quen thuộc.
Đây là hình ảnh hiếm hoi mẹ ruột của Đàm Vĩnh Hưng trong lần sinh nhật anh vào năm 2013
Nhưng vì thương cậu con trai duy nhất, thấy con đam mê hát nên dù đang nợ nần chồng chất, dù bị chủ nợ ngày đêm đến chì chiết, hành hạ đủ kiểu, mẹ của Đàm Vĩnh Hưng vẫn nghiến răng lấy tiền may cho anh một bộ đồ trắng để đi diễn. Sau này khi đã có trong tay cả tủ đồ quần áo hàng hiệu, Mr Đàm vẫn không bao giờ quên bộ đồ mà mẹ anh đã may cho mình với tất cả tình yêu thương và sự hy sinh đó.
Biết được sự hy sinh của mẹ, thương mẹ vô hạn, nên những đồng tiền đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng kiếm được khi đi hát cho Sở giáo dục, anh đã mang về đưa hết cho mẹ. “Khi cầm trên tay những đồng tiền đó của tôi, mẹ tôi đã òa khóc. Đó là số tiền đầu tiên do chính tay tôi làm ra mang về cho bà. Có thể số tiền không nhiều nhưng cái ý nghĩ con trai mình đã lớn, đã trưởng thành khiến mẹ tôi cảm động”, Mr Đàm chia sẻ.
Mẹ vẫn luôn là người có vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng, là người sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để mong sao con mình có thể có được hạnh phúc. Lúc đó, Đàm Vĩnh Hưng quả quyết, nếu rơi vào cảnh cơ hàn nhất, dù có đổi mẹ mình lấy một ngôi nhà chất đầy vàng, anh cũng không bao giờ đánh đổi, nhưng anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để được ở bên cạnh người mẹ hiền của mình vĩnh viễn.
Hơn ai hết, Mr Đàm là người chứng kiến những biến cố trong gia đình, là người thấu hiểu phận làm lẽ của bà, cũng thấm thía làm con “bà lẽ” là thế nào. Bởi thế mà khi đã thành danh, trở thành người khi xưng tên được cả triệu người hò reo, cổ vũ, đi một bước có người theo, Đàm Vĩnh Hưng đã bù đắp lại cho mẹ sau những năm tháng cơ hàn đó.
Nếu nói anh là người con đánh rơi mất chữ “Hiếu”, quên đi đạo nghĩa làm người, lúc sướng nhưng quên cảnh cơ hàn…thì hẳn người ta chỉ đứng ở ngoài mà phán xét, mà chê bai. Chứ nếu đặt vào vị trí của anh, cứ thử sống như anh một lần, liệu có làm được như thế?
Chẳng thế, nhiều người chẳng ngại mà thẳng thừng, cứ thử một lần làm Đàm Vĩnh Hưng đi, liệu bạn có thể trở thành một “ông hoàng nhạc Việt” như anh ấy bây giờ, hay lại lang bạt đâu đó với những biến cố gia đình… Chẳng phải Đàm Vĩnh Hưng đã lặng lẽ trả nợ cho mẹ suốt từng ấy năm mà chẳng hề hé răng cho bất cứ ai. Vẫn cứ hằng đêm, diễn xong lại trả cho chủ nợ, cho bọn giang hồ đang chầu trực dưới sân khấu, để họ xé áo quần ngay giữa đường…. Cứ sống một ngày như anh, chứ chưa nói sống tới 30 năm…
“Khi sự chứa đựng đã ở đỉnh điểm…thì vỏ bọc phải vỡ tung!”
Thời điểm công khai sự thật về mẹ ruột ham mê cơ bạc, nợ nần. Đàm Vĩnh Hưng gọi là "thời điểm cần phải cứng rắn đúng nghĩa nhất để bước vào cuộc chiến đầy khó khăn nhất của 45 năm làm con người của tôi"
Chuyện gia đình vốn là chuyện tế nhị, không ai đi “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng sáng 14/12, Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ chia sẻ bằng livestream trên Facebook câu chuyện anh giấu kín suốt nhiều năm qua, về chuyện mẹ anh nợ nần rất nhiều người. Sở dĩ vì sao Mr. Đàm làm clip này, bởi vì những người cho mẹ anh vay đều là người biết bà ấy là mẹ của “ông hoàng”. Cái tên Đàm Vĩnh Hưng là cái mác bảo kê hoàn hảo nhất cho việc vay mượn của bà. Bởi bà mẹ không trả được thì thằng con giàu có đó sẽ trả.
Và clip đó như một lời van xin rằng đừng ai cho bà vay nữa. Đấy là lời van lơn những chủ nợ ngoài mặt cười mà trong bụng đầy dao găm, đấy là lời đánh động lương tâm mẹ anh chứ không phải như nhiều người đang lên án, chỉ trích.
Hãy bình tĩnh mà suy xét, bà mẹ của Đàm Vĩnh Hưng bị lợi dụng bởi xã hội đen và những kẻ sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Còn gì “ngon” hơn việc sau 01 năm có 300 triệu đồng từ mẹ của Mr Đàm. Một bà mẹ đam mê cờ bạc của một đứa con có nhẫn kim cương là cái kho lớn nhất cần “đào mỏ”. Còn Đàm Vĩnh Hưng lâm vào thế không trả không được.
Chính Đàm Vĩnh Hưng cũng đã khẳng định mặc dù rất đau lòng, nhưng việc công khai sự thật về mẹ ruột là chuyện "cực chẳng đã" phải làm, là “cuộc chiến đầy khó khăn nhất của 45 năm làm con người” của anh. Và nam ca sỹ sẵn sàng đón nhận, bởi suy cho cùng, cuộc đời anh cũng đã nếm trải đủ mọi đắng cay, tủi hờn.
“Dẫu có như thế nào thì tôi cũng xin đón nhận! Hơn ai hết tôi tin vào những quyết định của mình! Vì tôi đã nhận ra cả một cuộc đời tôi cho đến giờ phút này và cả về sau đều gói trong 2 chữ: Số phận. Khi sự chứa đựng đã ở đỉnh điểm thì buộc lòng cái vỏ bọc kia phải toác hoặc vỡ tung!”, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Tôi không cho rằng Đàm Vĩnh Hưng phải trả 20 tỷ, mà anh đã trả 20 tỷ lần thứ 3 rồi. Nếu anh ta trả hết 20 tỷ đợt này, sẽ có 20 tỷ đợt kế tiếp. Đó là kiểu của những con bạc khát nước. Clip được đưa lên là để ngăn lại đợt 20 tỷ kế tiếp, chứ không phải là để nói với thiên hạ rằng tôi không trả nợ cho mẹ mình.
Hãy đặt câu hỏi, tại sao Mr Đàm phải khổ sở trả tiền cho những kẻ “ăn tiền” trên mồ hôi nước mắt của người khác ở ngoài xã hội? Câu trả lời đơn giản vì đó là mẹ anh, người mẹ mà anh hết lòng tôn kính, sẵn sàng đánh đổi tất cả.
Có một điều tôi nhận ra trong cuộc sống, mà sách đạo đức không dạy chúng ta: đó là khi bạn đặt lòng tốt vào không đúng người, đặt lòng tốt một cách mù quáng, thì không phải bạn đang tu nhân tích đức mà bạn đang gián tiếp làm hại những người yêu mến bạn. Vì khi bạn “cứu giúp” những việc làm sai trái, mặc dù bạn thấy rõ đó là sai mà vẫn “im lặng” giúp, bạn sẽ lãnh hậu quả.
Câu chuyện Mr Đàm chia sẻ lại trở thành chuyện anh “tố” mẹ ruột, ở đây đã có một sự đánh tráo khái niệm. Ở xã hội pháp quyền, mọi người đều bình đẳng. Cha mẹ, con cái, lãnh đạo, dân… đều phải được đối xử công bằng.
Trong chế độ phong kiến con không được nói “xấu” cha mẹ dù đôi lúc các cụ sai lè, dân không được nói xấu vua dù có nhiều kẻ trộm cắp, gian manh, dâm đãng và phạm tội chống nhân loại.
Thế kỷ 21 hội nhập, cứ sống bình đẳng trước pháp luật, làm sai phải chịu, không thể “muốn nói ngoa làm cha mà nói”, đó là quan niệm vừa cũ, vừa cổ hủ, lây lan ra cả xã hội khiến cho xã hội chậm phát triển.
Con cái cần tôn kính và hiếu thuận với cha mẹ, nhưng cũng cần sự biết giữ chừng mực và ranh giới để có được sự tôn trọng và hiếu thuận lâu dài. Nếu chỉ vì Hiếu mà cha mẹ thỏa sức làm sai, làm bậy, đưa con vào đường cùng thì rốt cuộc chữ Hiếu này cũng là lầm lạc.
Bỏ qua chuyện thị phi của giới giải trí, có thể thấy cơn sốt quanh câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng ít nhiều cũng giúp các bậc cha mẹ từng cho rằng mình có mọi quyền, kể cả quyền làm bậy, ép con vì chữ Hiếu phải cảnh tỉnh. Đã đến lúc để những ai có quan niệm cứng nhắc và mù quáng về chữ Hiếu soi tỏ lại và thay đổi.