Đầu tháng 9/2021, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm khiến lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng thấp kỷ lục.
Đơn cử, Sacombank vừa công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới. Theo đó, so với biểu lãi suất huy động cũ, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2%/năm, còn 2,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%/năm, còn 3%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3% còn 4,3%; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4%/năm, còn 4,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3%/năm, xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm 0,3%/năm, chỉ còn 5,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại Sacombank cũng giảm, nhưng mức giảm ít hơn, chỉ khoảng 0,1%.
Đối với lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6,8% ở kỳ hạn 12 tháng.
Đối với kỳ hạn từ 1-3 tháng, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.
Xét riêng trong nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV. Hai ngân hàng Agribank và BIDV cũng đã giảm 0,1 điểm % lãi suất tại nhiều kỳ hạn.
Vietcombank, VietinBank vẫn tiếp tục duy trì biểu lãi suất đã áp dụng trước đó. Theo đó lãi suất cao nhất tại VietinBank là 5,6%/năm. Trong khi đó Vietcombank, Agribank và BIDV áp dụng lãi suất cao nhất cùng ở mức 5,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến cho số lượng người dân gửi tiền vào ngân hàng thấp kỷ lục, họ có xu hướng chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Theo Ngân hàng Nhà nước, nửa đầu năm nay, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Còn tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng. Tuy vậy, tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6/2021, so với cùng kỳ gần 10 năm lại đây, đây là mức tăng trưởng thấp nhất. Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư vào các ngân hàng đạt khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm.
Theo các chuyên gia, việc dòng tiền chuyển hướng sẽ đẩy hệ thống ngân hàng bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Như vậy, khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Như vậy, mục đích giữ lãi suất cho vay thấp sẽ không thành.