Báo cáo thị trường tiền tệ của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 170 - 180 điểm cơ bản (bps) chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần lớn tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 30 – 50 điểm cơ bản (bps) ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm tiếp 30 – 50 bps ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.
Ảnh minh họa
Báo cáo thị trường tiền tệ của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 11 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở thông qua 10.998 tỷ đồng tín phiếu đến hạn và 2 tỷ đồng mua kỳ hạn. Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất gần như đi ngang ở vùng thấp, chốt tuần ở mức 0,49%/năm (-4bps) với kỳ hạn qua đêm và 0,75%/năm (+2bps) với kỳ hạn 1 tuần.
Như vậy, lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 170 - 180 bps chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. “Lượng tín phiếu lưu hành tại cuối tháng 5 đã thu hẹp về mức 27 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn gần hết (25 nghìn tỷ đồng) trong tuần này, lãi suất trên liên ngân hàng dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức thấp” – SSI Research cho biết.
Báo cáo của SSI Research cũng cho biết, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần lớn cũng vừa được điều chỉnh giảm từ 30 - 50 bps ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm tiếp 30 – 50 bps ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các NHTM cổ phần lớn đã giảm tổng cộng 60 – 75 bps với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4,0 – 5,5%/năm) và giảm từ 65 – 100 bps ở các kỳ hạn 12, 13 tháng (về mức 5,7 – 6,2%/năm).
“Mức sụt giảm lãi suất tiền gửi ở các NHTM có thị phần nhỏ từ đầu năm đến nay chỉ từ 20 – 40 bps nên chênh lệch lãi suất huy động với nhóm NHTM cổ phần lớn hiện nới rộng lên mức 100 – 180 bps, gia tăng sức hút với dòng tiền gửi. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ đều bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế và có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới” – các chuyên gia của SSI nhận định.
Theo thông tin từ SSI Research, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ số sản xuất PMI hồi phục tốt trong tháng 5 và Ủy ban Châu Âu đề xuất quỹ hồi phục kinh tế chung thay vì cấp các khoản vay đã cải thiện tâm lý giới đầu tư khu vực châu Âu. Điều đó đã giúp đồng EUR và GBP tăng giá mạnh, tăng tương ứng +1,84% và +1,4% trong tuần vừa qua.
Trên thị trường ngoại hối Việt Nam, trong tuần, tỷ giá giao dịch USD/VND giữ nguyên ở mức 23.160 đồng/23.370 đồng trên ngân hàng và nhích tăng 20 đồng/USD trên tự do, lên mức 23.290 đồng/23.320 đồng (mua vào/bán ra). Tỷ giá trung tâm tăng thêm 19 đồng/USD, lên mức 23.261 đồng/USD, tỷ giá mua vào/bán ra của NHNN giữ nguyên ở mức 23.175/23.650 đồng.
Cũng theo các chuyên gia của SSI, chênh lệch lãi suất USD - VND trên liên ngân hàng hiện đang ở mức rất thấp (0,4%/năm) và diễn biến quốc tế phức tạp có thể tạo áp lực nhất định lên tỷ giá. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế đang khôi phục sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh khiến tâm lý trong nước tích cực, cung cầu ngoại tệ ổn định sẽ là những yếu tố giữ tỷ giá USD/VND vẫn dao động ở vùng hiện tại.