Thời gian qua một số ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất huy động và điều nay đang kéo theo hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm khi bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Trong Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2016, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích nền kinh tế phát triển.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1.
Cũng tại cuộc họp báo nêu trên, Phó Thống đốc nhận định rằng một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để thích hợp để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Internet
Thực tế là từ ngày 26/9, bốn ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Mới đây nhất, Vnexpress đã dẫn lời ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, từ 15/10, ngân hàng này sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng loạt giảm về tối đa 6% một năm. Mức điều chỉnh này giảm 1% mỗi năm so với mặt bằng hiện nay. Riêng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, do mức cho vay hiện từ 7% nên mức giảm có thể là 2% một năm.
Động thái giảm lãi suất huy động của Vietcombank sẽ có sức lan tỏa đáng kể bởi ngân hàng này có thị phần cho vay hiện chiếm hơn 9% toàn hệ thống.
Có một thực tế là khoảng 3 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống mức thấp kỷ lục do tín dụng huy động trong dân rất tốt nhưng tín dụng cho vay ra lại tăng chậm. Điều này đang cho thấy dư thừa thanh khoản đang ở mức cao.
Trước thực tế này, tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 diễn ra mới đây, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các NHTM giảm lãi suất cho vay khi áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Theo ông, việc giảm lãi xuất cho vay kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn.