Lại một mùa… “thu”

Trung Nguyễn| 06/09/2018 06:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi đầu năm học mới, câu chuyên lạm thu lại nóng lên và chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết. Nhiều người nói vui, năm học mới cũng là thời điểm bắt đầu của mùa “thu”.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho rằng đây là vấn đề không mới, năm nào chúng ta cũng bàn đến, mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, có hình thức kỉ luật thích đáng.

Theo ông Khánh, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số nơi, một số cơ sở giáo dục chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục.

Không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...

Ông Khánh cho biết, năm nào Bộ GD&ĐT cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu. Tuy nhiên những sự việc xảy ra gần đây cho thấy cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra với việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm. Đặc biệt, việc thanh kiểm tra với lạm thu, giao cho các Sở GD&ĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng Hội cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa hoặc lợi dụng Thông tư 29 để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh và người dân cả nước.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến để rà soát, sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 29 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các vụ, cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là Thông tư 55 để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, địa phương mượn danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh để thu các khoản thu không đúng quy định.

Ông Khánh cho rằng, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Bên cạnh đó, nếu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình, công khai minh bạch các khoản thu chi… để thực hiện đúng và có sự chia sẻ với những phụ huynh khác thì sẽ không xảy ra tình trạng lạm thu.

Trong điều kiện nguồn lực nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, nếu không có các nguồn tài chính xã hội hóa để cùng gánh vác với ngành giáo dục thì sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để xảy ra việc “nở rộ” các khoản thu đầu năm, trách nhiệm chính vẫn thuộc về Bộ GD&ĐT. Bên cạnh việc rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa tình trạng này, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

                                                 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại một mùa… “thu”