Ngày 22/5, hơn 69 triệu cử tri trong cả nước sẽ đi bỏ phiếu thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, thể hiện một cách sinh động nhất, đầy đủ nhất quyền và nghĩa vụ công dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Lựa chọn các đại biểu đủ tài, đủ đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước đòi hỏi mỗi lá phiếu cử tri thể hiện rõ trách nhiệm công dân với niềm tin sâu sắc vào mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Không khí náo nức tại điểm bỏ phiếu sớm số 1, bản Huồi Mới, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An)
Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, chỉ 5 tháng sau khi giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.
Trải qua hơn 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi ra đời, Quốc hội khóa I (1946 - 1960) đã đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân; khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến trên con đường xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1960 - 1975, Quốc hội các khóa II, III, IV và V hoạt động trong một thời kỳ lịch sử hào hùng đã triển khai thực hiện đường lối, nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Hiến pháp năm 1959, quyết định nhiều chính sách quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xứng đáng với lời biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quốc hội ta hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân".
Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất trong cả nước (năm 1976), Quốc hội từ khóa VI đến khóa XIII hiện nay đã ngày càng phát huy, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình và uy tín được nâng cao. Trong giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Cuộc bầu cử lần thứ 14 này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tiếp tục được đẩy mạnh; Đông Nam Á trở thành một cộng đồng, có vị trí địa - kinh tế - chính trị hết sức quan trọng; cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, với nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhưng vẫn còn đó những nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ "diễn biến hòa bình"; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Do đó, việc lựa chọn những người xứng đáng nhất làm đại biểu nhân dân trong cuộc bầu cử lần này là dịp để cử tri bầu ra một Quốc hội và cơ quan quyền lực các cấp có đủ năng lực thực hiện thành công sứ mệnh mà nhân dân giao phó trong bối cảnh mới của tình hình trong nước và quốc tế.
Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này còn là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, tái khẳng định nhân dân là người chủ đất nước; quyền con người đi cùng quyền và nghĩa vụ công dân. Đây cũng là cuộc bầu cử sau khi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 được ban hành với nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho mọi công dân có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Có thể khẳng định, cuộc bầu cử lần này đã được được chuẩn bị hết sức chu đáo, thể hiện đầy đủ tinh thần của Hiến pháp và pháp luật. Các hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đã làm cho mỗi cử tri nhận thức sâu sắc bầu cử là quyền và trách nhiệm của mọi công dân. Cử tri và các ứng cử viên có sự đối thoại, trao đổi thẳng thắn, dân chủ; có sự chia sẻ, đồng cảm đầy thấu hiểu và nhân văn… Điều đó đã giúp cho cử tri nắm bắt được các chương trình tranh cử, cả lời hứa của ứng cử viên để khi họ trở thành đại biểu nhân dân, các chương trình và lời hứa đó sẽ biến thành hành động cụ thể; và cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát các hoạt động của các đại biểu nhân dân. Đó chính là cốt lõi của việc nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, để Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Mọi sự chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã chu đáo và sẵn sàng
Tại những điểm diễn ra bầu cử sớm, ở nơi xa nhất, khó khăn nhất, đồng bào cả nước đã xiết bao cảm động khi thùng phiếu vượt ngàn trùng đến tận góc bể, chân trời. Đó là những cử tri ở vùng biển đảo tiền tiêu của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), những cư dân trên đảo và ngư dân đang đối mặt với bao hiểm nguy, bất trắc nhưng luôn mang trong lòng tinh thần của Đội Hùng binh Hoàng Sa vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa để mưu sinh và làm giàu từ biển. Họ là những cán bộ, chiến sĩ đang nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Những lá phiếu sớm về đất liền
Họ còn là đồng bào Mông, Hà Nhì, La Hủ ở vùng cao biên giới huyện Mường Tè (Lai Châu) đã biến ngày bầu cử thành ngày hội của các dân tộc cư trú trên địa bàn; thể hiện sự đoàn kết keo sơn, gắn bó giữa những người anh em, đặt trọn niềm tin vào chính quyền; và trên hết là thể hiện trách nhiệm công dân với lòng yêu nước nồng nàn.
Công tác chuẩn bị và thành công ở những đơn vị bầu cử sớm đã khằng định rằng không một âm mưu, hành động của thế lực thù địch nào có thể ngăn cản được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu nước và trách nhiệm công dân.
Mọi công dân Việt Nam đều nhận thức sâu sắc rằng, các đại biểu được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, cũng như các phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm phục vụ cho lợi ích của chính người dân.
Đem lòng yêu nước mà thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân khi cầm lá phiếu bầu trên tay, mỗi cử tri có quyền tin tưởng rằng, mình đã sáng suốt góp phần bầu ra được các cơ quan quyền lực nhà nước đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó là: Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, vượt qua thách thức và các nguy cơ còn tồn tại; thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc.