Thực hiện Nghị định số 23/2008/NĐ-CP ngày 1/03/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội được công bố thành lập vào ngày 19/5/2008.
Địa linh, nhân kiệt
Phường La Khê, trước đây là làng La Khê (là một trong bảy làng La thuộc tổng La). Làng La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ V, ban đầu làng có tên La Ninh ("La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Khi xưa, làng La Khê nổi tiếng là làng Việt cổ trong "tứ quý danh hương Mỗ-La- Canh-Cót". Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng. Nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu. Đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ, thêm vào đó the làng La còn được mang triển lãm ở thành phố Paris (Pháp). Thời phong kiến, người La Khê tự hào với truyền thống văn vật: "Trai làng có Quận công, tiến sỹ; gái làng có Vương phi, hoàng hậu". La Khê là làng hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao, cả làng có 9 người đỗ tiến sĩ.
Quần thể di tích Đình - Chùa - Bia Bà tại phường La Khê
Trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, tháng 6/1939 chi bộ La Khê được thành lập là một sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn đánh dấu bước phát triển quan trọng về phong trào cách mạng của địa phương, là cơ sở vững mạnh nằm trong an toàn khu của xứ uỷ Bắc Kỳ. Quá trình đấu tranh giành chính quyền cách mạng, nhân dân La Khê cùng với các lực lượng và nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 23/8/1945 trên địa bàn Hà Đông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, cán bộ và nhân dân phường La Khê luôn tự hào trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt. Cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang La Khê đã làm tất cả những gì mà Đảng cần, để chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, đặc biệt là trong những tháng năm cùng với cả nước sục sôi đánh Mỹ. Đảng bộ và nhân dân La Khê đã tiễn đưa hàng ngàn lượt thanh niên ưu tú của xã lên đường làm nhiệm vụ. Giai đoạn ác liệt nhất từ năm 1965 đến năm 1975 La Khê luôn là đơn vị dẫn đầu có tỷ lệ thanh niên nhập ngũ cao nhất thị xã Hà Đông. Tổng số 34 đợt có 559 thanh niên chiếm hơn 9,1% dân số cả xã, rất nhiều gia đình tiêu biểu chỉ có một con duy nhất, cũng động viên lên đường ra mặt trận như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Yến, mẹ Nguyễn Thị Cháo, mẹ Ngô Thị Hồ, mẹ Nguyễn Thị Giới… Những gia đình có 2 con là liệt sĩ như gia đình ông Nguyễn Bá Hồng, bà Hoàng Thị Thiện, bà Nguyễn Thị Nghĩa, bà Nguyễn Thị Đán, ông Nguyễn Hữu Tỵ, ông Ngô Thúc Quyết… Có những gia đình tiêu biểu gồm 2 - 3 thế hệ cùng chung một chiến hào đánh Mỹ. Với những cống hiến đóng góp vô giá trong 2 cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân trong xã rất vinh dự được Đảng và Nhà nước, phong tặng và truy tặng 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Hai, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương lao động hạng Ba, 10 quân kỳ quyết thắng, trên 2.626 Huân, Huy, chương các loại, phong tặng 133 đồng chí liệt sỹ …
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân phường La Khê tiếp tục đoàn kết, thống nhất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn ổn định; kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; diện mạo đô thị ngày càng khang trang đổi mới. Sự nghiệp y tế, giáo dục ngày càng phát triển, công tác văn hóa - xã hội, thể dục - thể thao luôn được quan tâm, an ninh quốc phòng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động có hiệu quả. Với những kết quả và thành tích đã đạt được, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân phường La Khê rất vinh dự, được lãnh đạo các cấp ghi nhận và đánh giá cao, tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đó là niềm cổ vũ động viên rất lớn đối với cán bộ, nhân dân La Khê, là cơ sở vững chắc, tạo đà cho cho việc xây dựng và phát triển của phường trong những năm tới.
Địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, La Khê còn là vùng đất nổi tiếng với những khu di tích Đình - Chùa - Bia Bà. Đình làng La Khê được xây dựng từ thế kỷ XVII trên một vị trí đắc địa gần cửa ngõ kinh kỳ, là nơi phụng thờ Thiên tướng Hắc Diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa. Trải qua hàng mấy trăm năm, từ triều Lê đến triều Nguyễn, các triều vua đã có 28 đạo sắc phong hai vị thần thành hoàng làng là “Thượng đẳng phúc thần”. Vua Tự Đức trong một lần đến thắp hương, cũng đã tặng cho đền 8 chữ “Mỹ tục khả quan” và “Mỹ tục khả phong”. Không chỉ vậy, đền còn là nơi thờ 10 vị thánh sư giúp dân tinh thông nghề dệt. Trong khuôn viên quần thể di tích văn hóa La Khê, còn có khu Nhà Mẫu - Bia Bà linh thiêng, nơi thờ Mạc triều Đông cung Hoàng Hậu (Đức Thánh Bà). Hiện tại, khu di tích này có 3 cụm di tích gồm: Đình, Chùa và Miếu Bà, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách đến thăm quan, vãn cảnh.
Ngoài giá trị to lớn về văn hóa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân, đình làng La Khê còn là nơi Tòa án binh lâm thời tại Hà Nội xét xử những vụ án đầu tiên của ngành TAND. Theo các tài liệu còn lưu giữ thì vào năm 1946, Tòa án binh lâm thời tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 20 vụ án tại đình làng La Khê. Phiên tòa do ông Phạm Trịnh Cán làm Chánh án, ông Nguyễn Đức Hinh làm Ủy viên Chính phủ. Phiên tòa diễn ra đã góp phần giữ vững trật tự trị an xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng trong những ngày mới thành lập.
Để đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của cán bộ, công chức ngành TAND đối với các sự kiện lịch sử, truyền thống của ngành, lãnh đạo TANDTC đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền và làm việc với chính quyền địa phương để tổ chức hội thảo và xây dựng nhà lưu niệm, bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND tại Đình La Khê. Được sự đồng thuận của Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội, cùng chính quyền các cấp của phường La Khê và các cơ quan liên quan tìm địa điểm đặt bia, phương án xây dựng, mô hình kiến trúc và đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Việc dựng bia ghi nhận địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND là sự kiện có ý nghĩa không những về mặt lịch sử, truyền thống mà còn có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa. Sự kiện này là căn cứ pháp lý để ngành TAND triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về truyền thống của ngành Tòa án để nhân dân cả nước và nhân dân phường La Khê biết được địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND.
Theo kế hoạch, vào ngày 5/8/2013, TANDTC sẽ khởi công xây dựng bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND đặt tại cụm di tích lịch sử văn hóa Đình, Chùa, Đền thờ Đức Thánh Bà (Bia Bà) tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Việt Thắng, Bí thư Đảng ủy phường La Khê, quận Hà Đông bày tỏ: Cụm di tích Đình, Chùa và Miếu Bà đã được xếp hạng Di tích quốc gia. Việc TANDTC dựng bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của ngành TAND tại Đình La Khê là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được đại diện chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và nhân dân phường La Khê bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ cao. Xét về tổng thể, bia sẽ hài hòa với cảnh quan cũng như kiến trúc xung quanh, tạo nên sự liên hoàn thống nhất, đảm bảo tính tôn nghiêm của toàn bộ khu di tích. Việc dựng bia tại đây sẽ tạo thành cụm di tích vừa có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, ghi dấu truyền thống của ngành TAND và truyền thống cách mạng của nhân dân địa phương. Khu di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, tâm linh, mà chứa đựng cả truyền thống cách mạng anh hùng, qua đó giúp nhân dân cả nước hiểu thêm về địa danh La Khê. Đặc biệt, việc làm này có giá trị rất lớn, mang tính giáo dục đối với cán bộ, công chức ngành TAND.
Minh Giang