Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng

Nam Hoàng| 19/08/2016 07:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng 8/1945, dưới ngọn cờ hiệu triệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã đứng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp về tay nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập tự do và CNXH.

Và, trong mỗi ngày tháng Tám lịch sử, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Thủ đô Hà Nội nói riêng lại tự hào về truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước đã góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám - đó là những đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Hết mình với Tổ quốc

Bảy mươi mốt mùa thu đã trôi qua, các đoàn viên thanh niên thuở ấy nay đã vào độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, khí thế hừng hực và tinh thần thanh niên cống hiến hết mình cho Tổ quốc của mùa Thu cách mạng năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong họ.

Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng

 Những đoàn viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa

Ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc, 88 tuổi, Trưởng Ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu), một trong 9 người tham dự cuộc họp từ ngày 17/8/1945 đến 18/8/1945, do Thành ủy Hà Nội và Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tổ chức để đi đến Quyết định Tổng khởi nghĩa, kể: Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, 9/3/1945, theo tinh thần của chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã thành lập Uỷ ban Quân sự thành phố và tuyển chọn những đoàn viên thanh niên cứu quốc nhiệt tình, dũng cảm, khoẻ mạnh vào các đội tự vệ và đội tuyên truyền xung phong.

“Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội), Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập, gồm khoảng 60 đoàn viên, trong đó, rất đông học sinh các Trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... Đoàn hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp... bằng nhiều hình thức linh hoạt, từ tuyên truyền miệng, truyền đơn, báo, tài liệu mật...”, ông Vân nhớ lại.

Lúc mới được thành lập, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu gồm ba liên đội, nhiệm vụ chủ yếu là in và rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, ápphích; tổ chức và bảo vệ thắng lợi các cuộc mít tinh ở Mễ Trì ngày 20/4/1945, ở chợ Canh ngày 24/4/1945; phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) tháng 4/1945; phá cuộc míttinh do Đại Việt tổ chức trong vườn Bách Thảo ngày 17/6/1945; diễn thuyết tại các rạp hát Tố Như, Quảng Lạc, Hiệp Thành; hai lần dán ápphích khổ lớn ủng hộ Việt Minh lên sườn tàu điện tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy và Bờ Hồ - Hà Đông; trừng trị những tên tay sai đắc lực của quân Nhật...

Thời điểm đó, để tránh máy bay Mỹ ném bom các căn cứ của quân đội Nhật đóng tại Hà Nội, một số trường học chuyển về khu vực Cầu Giấy, Hà Đông. Những đoàn viên cứu quốc thành Hoàng Diệu đi theo trường đã giúp phát triển tổ chức này tại các xã ngoại thành, làm chỗ đứng cho cán bộ chỉ đạo phong trào, các cơ sở in ấn tài liệu để chuyển vào nội thành. Đây là những cơ sở vững chắc để tham gia phá các cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim ngày 17/8/1945 và cùng các lực lượng Hội cứu quốc khác trong Việt Minh tham gia giành chính quyền thành công tại Hà Nội hôm 19/8/1945, mà không phải đổ máu.

Thời khắc lịch sử

Những hoạt động của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu có tiếng vang rộng lớn trong quần chúng đã góp phần không nhỏ đưa khí thế cách mạng ở Hà Nội ngày càng dâng cao trong những ngày tiền khởi nghĩa. Đêm 15/8/1945, khi được tin phát xít Nhật đầu hàng, mặc dù Chỉ thị của Trung ương chưa tới nhưng Xứ ủy Bắc Kỳ vẫn quyết định ra lệnh tiến hành Tổng khởi nghĩa trong các tỉnh do Xứ ủy phụ trách.

Ngày 17/8/1945, các đội viên Thanh niên cứu quốc đã táo bạo chiếm diễn đàn, biến cuộc míttinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng của Việt Minh. Ngay tối hôm đó,Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp gấp tại nhà bà Hai Nhã (thôn Dịch Vọng tiền, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Cuộc họp diễn ra lúc 21 giờ và có 9 người tham gia, trong đó có ông Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy), ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy (cán bộ Xứ ủy), ông Lê Đức Vân là đại diện cho thanh niên cứu quốc.

Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng

Hào khí Cách mạng tháng Tám

Cuộc họp nhanh chóng quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8. Các thành viên kiểm tra lại lực lượng xem có bao nhiêu hội viên, vũ khí có những gì và bàn phương thức khởi nghĩa. Ông Vân được phân công đảm trách tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội. Các đội viên thanh niên cứu quốc ở Dịch Vọng đã canh gác bảo vệ an toàn cho cuộc họp quan trọng này.

Sau một ngày chuẩn bị, sáng 19/8/1945, các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đáp lại lời hiệu triệu, những đoàn viên Thanh niên cứu quốc với đủ mọi loại vũ khí tự trang bị, dẫn đầu những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực bốc cao đã tỏa đi khắp nội thành Hà Nội, tổ chức cho quần chúng cách mạng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám, Sở Tài chính.

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là Trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Nơi đây có hàng ngàn lượt lính Bảo an đồn trú, chúng được được trang bị đầy đủ vũ khí, là  một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và trên miền Bắc lúc bấy giờ. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là lực lượng chủ công.

Khi Đoàn tiến đến Trại Bảo an binh, cổng trại được khóa chặt và có hai tên lính gác. Dù không chống đối nhưng chúng nhất định không chịu mở cửa. Hơn nữa, bên ngoài 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta. Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng không được, một đoàn viên đã dùng kiếm chặt đứt dây xích khóa cổng, dòng người tràn vào trong, chia nhau chiếm giữ các vị trí trọng yếu của địch và khống chế lính Bảo an. Mặt khác ta cũng phái cử người đi gặp tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội để thương lượng.

Sau đó, Nhật rút xe tăng, ta tiến vào chiếm Trại Bảo an binh, phá kho súng phát cho tự vệ. “Đến khoảng 18h, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ. Cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu nhưng có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước”, ông Lê Đức Vân nhớ lại.

Tinh thần bất diệt

Sau Cách mạng tháng Tám, các đoàn viên thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, để có ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, rồi lại tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. “Thời kỳ hoạt động cách mạng Việt Minh, chúng tôi quyết thực hiện bằng được mấy khẩu hiệu. Trước ngày Nhật đảo chính, khẩu hiệu là “Đánh đuổi Nhật Pháp”. Sau khi Nhật đảo chính, chúng tôi thực hiện khẩu hiệu “Đánh Nhật cứu nước, ủng hộ Việt Minh, giành độc lập”. Đó là những ngày tháng khó quên nhất trong cuộc đời tôi”, ông Lê Đức Vân tâm sự.

Sau này, khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, nhà sử học Pháp Phillip Devillers đã nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Một trong những “khu vực của đời sống đất nước” khá quan trọng khi đó đã được Đảng lãnh đạo và khéo léo đưa lên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chính là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước trong các đô thị lớn: Thanh niên tiền tuyến ở Huế, Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn.

Khác với Huế và Sài Gòn, lực lượng thanh niên yêu nước đều hoạt động bán công khai, “tương kế tựu kế”, lợi dụng những âm mưu của địch để hoạt động cho cách mạng, ở Hà Nội, Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, của Việt Minh. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ là lực lượng sung sức đi đầu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi “làm gương mẫu” cho các địa phương khác.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám - 1945 vĩ đại, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ và chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông - Nam Châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Từ mùa Thu Cách mạng ấy, thời gian đã đi qua gần 3/4 thế kỷ, biết bao nhiêu sự kiện trọng đại đã diễn ra trên đất nước ta trong những hoàn cảnh quốc tế vô cùng phức tạp, nhưng tinh thần bất diệt của cách mạng tháng Tám vẫn sống mãi. Và đặc biệt, tinh thần cách mạng của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa vẫn sẽ mãi được thế hệ trẻ hôm nay phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng