Ký ức thời binh lửa của người lính già dưới chân núi Quyết

Hoàng Tuấn| 23/04/2014 11:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, được tham gia hỏi cung tướng Đờ-cát là một kỷ niệm..."

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Xuân Tính (SN 1930, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An), người tham gia phiên dịch cho cuộc hỏi cung chớp nhoáng tướng Đờ-cát vào chiều 7/5/1954. 

Chuyến hành quân thần tốc

Gần 60 năm trôi qua nhưng cái ngày Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho gần 1 thế kỷ xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông Tính. Nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Tính vẫn nhớ như in câu chuyện của 60 năm về trước, khi Đại đoàn 312 của ông cùng các cánh quân vượt bao khó khăn, gian khổ để tiến về giải phóng Điện Biên.

Học hết phổ thông, chàng trai Nguyễn Xuân Tính (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) bước chân vào đời quân ngũ, phiên chế vào Đại đoàn 312 đóng quân tại Hà Nội. Năm 1954, Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh vào tập đoàn cứ điểm cuối cùng của Pháp. Đại đoàn 312 cùng 4 Đại đoàn khác được lệnh hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên. Trời rét cắt da, cắt thịt, đoàn quân đi trong im lặng để tránh sự phát hiện của địch. Vừa đi, vừa mở đường, tránh các khu vực sinh sống của đồng bào để đảm bảo an toàn.

Ký ức thời binh lửa của người lính già dưới chân núi Quyết

 Những cựu chiến binh Điện Biên Phủ và lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Tính kể: Ngày ấy, gian khổ, thiếu thốn đủ bề, dân công lại chưa lên kịp nên thức ăn càng khan hiếm. Mỗi chiến sỹ được phát một ruột tượng gạo mang theo người. Đến bữa, hái rau rừng chấm với muối ăn cơm. Bữa nào “ngoại giao” giỏi với đồng bào thì có thể đổi muối lấy lợn nít, anh em mới có tý chất tươi cải thiện. Nói cho sang vậy thôi chứ một con lợn nít chỉ trên dưới 10kg mà phải chia đều cho cả Đại đoàn. Bởi vậy, để đảm bảo khẩu phần, anh nuôi quân chỉ biết chia từng miếng thịt nhỏ và nấu thật mặn, mỗi “hạt” thịt “cõng” 4-5 hạt muối. Khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng những người chiến sỹ không nao núng tinh thần. Họ cần mẫn mở rừng đi tới với một niềm tin mãnh liệt vào thằng lợi cuối cùng.

Giữa núi rừng hoang sơ, thảng hoặc, ngước lên người lính bắt gặp những cánh đào rừng khoe sắc trong giá lạnh. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân lại ùa về trong lòng ông Tính và đồng đội. Nỗi nhớ ấy càng lớn hơn mỗi khi qua bản, chứng kiến cảnh xum họp vui vầy của đồng bào. Sau quãng thời gian hành quân gian khổ, vừa đi vừa mở đường, vừa ngụy trang, vừa chống chịu với những trận đói và cái rét tê tái miền sơn cước, đơn vị của ông Tính cũng đã đến được điểm tập kết.

“Lúc bấy giờ, địch rất tự tin vào khả năng bất khả xâm phạm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nên hàng ngày chúng cho máy bay rải truyền đơn, gọi loa khiêu khích: “Mời ông Giáp lên Điện Biên ăn Tết”. Chúng không thể ngờ rằng, chỉ với sức người nhỏ bé, Việt Nam đã kéo được pháo hạng nặng lên đây “ăn Tết” và đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước này”, ông Tính phấn chấn.

Tham gia hỏi cung tướng Đờ-cát

Ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam - Độc Lập - Bản Kéo, cụm cứ điểm do 1 tiểu đoàn Âu Phi trấn giữ với hệ thống lô cốt, hầm ngầm dày đặc. Bị tấn công bất ngờ, địch phản công dữ dội. Từ các lỗ châu mai, đạn bắn ra như mưa. Đại đội 58 (Tiểu đoàn 428, Đại đoàn 312) do đồng chí Phan Đình Giót chỉ huy có nhiệm vụ đánh bộc phá rà phá mìn và phá hàng rào dây thép gai để bộ đội tiến lên. Sau khi đánh quả bộc phá vào lô cốt địch, đạn từ lỗ châu mai vẫn tiếp tục vãi ra như trấu, quân ta không có kẽ hở để xông lên. Chính lúc đó, Phan Đình Giót đã lấy thân mình chặn trước họng súng quân thù. Đạn ngừng, bộ đội ào lên. Với sự yểm trợ của pháo cao xạ, bộ đội ta chiếm được cứ điểm quan trọng này.

Ký ức thời binh lửa của người lính già dưới chân núi Quyết

Cựu binh Nguyễn Xuân Tính

Ông Tính kể: “Ở trận đánh này, Pháp đã sử dụng súng hồng ngoại, sử dụng chất độc hóa học để làm mưa nhân tạo nên vùng lòng chảo Điện Biên này luôn nhão nhoét bùn đất. Cả ta và địch đều phải đào hầm ngầm dưới đất, đêm đến, lúc tấn công mới lên khỏi hầm. Đói, khát, ẩm thấp, chỉ có cơm nắm hoặc bánh chưng ăn suốt ngày này qua ngày khác nhưng tinh thần anh em không hề nao núng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”.

Với tinh thần chiến đấu cao nhất, đợt tấn công thứ 2 vào trung tâm Điện Biên Phủ và đợt 3, tổng công kích, đánh vào sào huyệt cuối cùng của tướng Đờ-cát, chiếm sân bay, chặn đứt đường tiếp tế bằng đường không của địch đều giành được thắng lợi. Với cách đánh “bóc vỏ” này, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - niềm tự hào của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương hoàn toàn thất thủ. 5 giờ 30 phút chiều 7/5, tướng Đờ-cát phải chấp nhận đầu hàng”.

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta chiếm Sở chỉ huy của địch, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu quân Pháp giải về Đại đoàn 312. Sau khi kiểm tra tên tuổi, cấp chức, số hiệu sỹ quan của từng tên, phái viên của Bộ chỉ huy chiến dịch đem ảnh và chữ ký của chúng ra đối chiếu. Xác định đúng là Đờ-cát, toàn bộ Bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ được chuyển lên Bộ chỉ huy chiến dịch của ta để tiếp tục khai thác thông tin.

Ngay sau đó, một vài chiến sĩ thông thạo tiếng Pháp được điều động lên để tham gia công tác hỏi cung tù binh, trong đó có Nguyễn Xuân Tính. Việc được tham gia phiên dịch, hỏi cung viên tướng nổi tiếng này vẫn luôn là một kỷ niệm đẹp, kỷ niệm hào hùng trong đời người lính của ông Tính. Gần 60 năm trôi qua nhưng những giây phút ngắn ngủi ấy luôn hiện rõ mồn một trong tâm trí người lính già đã bước qua tuổi 80 này.

Ông Tính nhớ lại: “Lúc đó, Đờ-cát đội mũ ca - nô, mặc bộ quân phục mùa hè phẳng nếp, khuôn mặt tái mét nhưng nói năng rất kiểu cách. Ông Lê Trọng Tấn, Chỉ huy trưởng đại đoàn 312 cho phép Đờ-cát và bộ tham mưu của ông ta được ngồi. Thấy chỉ có một mình Đờ-cát ngồi, ông Lê Trọng Tấn nhắc lại: “Tôi cho phép tất cả các ông được ngồi”. Một viên quan năm lên tiếng: “Thưa ngài, Thiếu tướng của chúng tôi chưa cho phép ngồi”. Ông Tấn dằn giọng: “Không còn tướng tá nào nữa. Tất cả các ông đều là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi, các ông phải chấp hành”...”. Lúc đầu, ông Lê Trọng Tấn trực tiếp nói với đám tù binh bằng tiếng Pháp, nhưng đến khi hỏi cung, cán bộ trong Bộ Tư lệnh đại đoàn hỏi bằng tiếng Việt, ông Tính và một số đồng chí khác nhận trách nhiệm phiên dịch lại...

“Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Còn với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, được chứng kiến giây phút viên tướng địch đầu hàng và tham gia hỏi cung tướng Đờ-cát luôn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của mình”, ông Nguyễn Xuân Tính tâm sự.

Trăn trở vì chưa tròn một lời hứa

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Tính được cử đi học ở Trường ĐHSP Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở lại phục vụ quân ngũ, công tác ở Phòng Tuyên huấn, rồi Phòng Khoa học Quân sự, Văn phòng Bộ Tư lệnh và Trường Chính trị Quân khu 4. Từ ngày về hưu, ông chuyển về sống trong căn nhà nhỏ nép mình dưới chân núi Dũng Quyết. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài ghi chép những mẩu hồi ức để trao truyền cho con cháu đời sau. Chỉ duy nhất có một điều làm ông đau đáu, đó là ước nguyện được gặp lại người bạn chiến đấu người Ba Lan để thực hiện lời hứa dạy tiếng Việt là chưa thực hiện được.

Ký ức thời binh lửa của người lính già dưới chân núi Quyết

Một góc hầm Đờ -  Cát

Ông Tính kể: Slephan Cubilac tham gia quân Pháp trong đại chiến Thế giới thứ 2 (1939 - 1945), sau đó sang chiến trường Việt Nam, thuộc đơn vị lính lê dương. Năm 1947, nhận thấy cuộc chiến tranh của thực dân Pháp đang tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa nên Cubilac phản chiến, chạy sang hàng ngũ quân ta. Là lính pháo binh, Cubilac được điều về đơn vị pháo binh của Đại đoàn 312. Ông Tính nghe tên Cubilac, lấy đó là tấm gương và luôn muốn gặp.

Đợt hai chiến dịch Điện Biên Phủ, tại ngã tư sân bay Điện Biên Phủ, Cubilac vào trinh sát trận địa. Ở đó, ông Tính và Cubilac tình cờ gặp nhau. Biết người bạn nước ngoài này thích cà phê, thuốc lá nên ông Tính lấy mấy hộp chiến lợi phẩm mà mình đoạt được của quân Pháp đưa tặng. Nhìn thấy có thuốc lá, cà phê, Cubilac tỏ vẻ thích lắm. Trong khi ngồi uống cà phê, ăn bánh quy, hút thuốc lá và nói chuyện, Cubilac vỗ vai ông Tính bảo: “Anh biết tiếng Pháp, nhưng chưa thành thạo. Khi nào hòa bình, anh dạy tôi tiếng Việt, tôi sẽ dạy anh tiếng Pháp”, nói rồi hai người bắt tay hứa hẹn.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị chuyển quân về Bắc Ninh, ông Tính một lần nữa gặp lại Cubilac. Cubilac bảo: “Đời tôi tự hào ba thứ, thứ nhất là trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, thứ hai là được làm chiến sĩ Điện Biên và cái lớn hơn nữa là được mang dòng họ của Bác Hồ (Cubilac có tên Việt Nam là Hồ Chí Toán)”. Sau lần đó, mỗi người một nhiệm vụ, ông Tính được đơn vị cử về Hà Nội học đại học, còn Cubilac trở về nước và tham gia Ủy Ban giám sát đình chiến Quốc tế gồm 3 nước Ba Lan, Canada và Ấn Độ. Năm tháng trôi qua, giờ nghĩ lại, ông Tính chỉ mong được gặp lại người bạn chiến đấu đó để thực hiện lời hứa “dạy tiếng Việt” năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức thời binh lửa của người lính già dưới chân núi Quyết