Chiến tranh lùi xa đã hơn 40 năm, nhưng mỗi lần giở lại những kỷ vật là ký ức hào hùng về thời binh lửa lại ùa về với Thiếu tá Lê Việt Bình, biệt danh Hai Đường, người từng tham gia nhiều trận đánh lớn với những chiến công vang dội.
Đối với người lính đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” ấy, những ngày tháng sống và chiến đấu trong lòng địch dường như vừa mới diễn ra...
Giác ngộ cách mạng từ khi còn trẻ
Cũng như bao người dân Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, ly loạn, tuổi thơ của Lê Việt Bình (SN 1942, ở Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) gắn liền với những tháng ngày cơ cực, lầm than. Khi vừa tròn 20 tuổi, tốt nghiệp hệ phổ thông 7/10, Lê Việt Bình được Công an Đặc khu Vĩnh Linh tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Sau đó, ông có gần hai năm vào Nam trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ. Dịp Tết Nguyên đán 1966, Lê Việt Bình được cử ra Bắc dự khóa Đặc công Thành do Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tổ chức.
Thiếu tá Lê Việt Bình (Ảnh: ĐB)
Sau gần một năm học tập, chàng đặc công trẻ đã được trang bị các nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động để trở vào Nam chiến đấu lần thứ hai. Tháng 10/1966, ông có mặt trong đoàn cán bộ của Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an lên đường vào Nam chi viện cho chiến trường B2 và được phân công về Đội trinh sát vũ trang B5, Ban An ninh T4. Đây là một đơn vị giống như “biệt động thành”, có nhiệm vụ trừ gian, diệt ác, tập trung vào các đối tượng phản động cao cấp ngay tại nội đô Sài Gòn.
Để tạo vỏ bọc hợp pháp, Lê Việt Bình được phân công vào hoạt động trong nội thành, móc nối và cư trú tại một gia đình cách mạng tại khu vực Phú Lâm và sử dụng giấy tờ giả với tên gọi Lê Xuân Đường (bí danh Hai Đường), hàng ngày hành nghề hớt tóc dạo bằng xe đạp để kiếm sống, đồng thời để che mắt địch và nắm địa bàn. Bước vào Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Hai Đường đã tiếp nhận vũ khí và được cấp trên phân công cùng đồng đội hỗ trợ cho lực lượng địa phương tiến công và nổi dậy.
Cuối tháng 1/1969, Đội trinh sát vũ trang B5 lên kế hoạch ám sát Trung tướng tình báo Linh Quang Viên, Tổng trưởng Nội vụ, Phụ tá an ninh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Viên quê Cao Bằng, từng tốt nghiệp Trường Trung học An-be Xa-rô (Albert Sarraut) ở Hà Nội. Năm 1953, Viên được cử đi đào tạo chuyên ngành Tham mưu tại Pháp, sau đó được quan thầy Mỹ đưa sang đào tạo chuyên ngành chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Pho Li-ven-uốt (Fort Leavenworth), Hoa Kỳ. Với mục đích gây tiếng nổ giữa nội đô và nhằm vào việc tiêu diệt các nhân vật có nhiều nợ máu với nhân dân, Ban chỉ huy B5 đã quyết định đưa Linh Quang Viên vào “tầm ngắm”.
“Khi đó, Ban chỉ huy B5 đề ra hai phương án đánh Linh Quang Viên. Phương án 1 là tiêu diệt y ngay tại nhà riêng ở 151 đường Nguyễn Thông, quận 3, nhưng qua nghiên cứu thấy phương án này rất khó thực hiện bởi nhà Viên có lính bảo vệ cẩn mật, xung quanh nhà lại có hàng rào thép gai chắc chắn, điện thắp sáng suốt đêm. Phương án 2 là đợi Viên đi ra khỏi nhà, ta cử người bám theo, thời cơ thuận lợi sẽ tiêu diệt. Phương án này không đòi hỏi nhiều người tham gia, không cần sử dụng nhiều vũ khí, lúc đánh xong ta có thể dễ dàng rút lui an toàn. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, Chỉ huy B5 đã quyết định sử dụng phương án 2”, ông Bình nhớ lại.
Những chiến công chấn động Sài Gòn - Gia Định
Trước khi thực hiện, ta bố trí người trinh sát, nắm quy luật đi lại hằng ngày của Linh Quang Viên. Chỉ huy phó Tư Hổ đã nhiều lần trực tiếp ngồi trên xe máy cùng Út Cạn (tức Dũng, đang là lính quân dịch trong đơn vị biệt động quân của địch) tới ngã tư đường Nguyễn Thông-Phan Thanh Giản (nay là ngã tư Nguyễn Thông - Điện Biên Phủ, TP Hồ Chí Minh) để tiếp cận chiếc xe của Viên khi hắn đi từ nhà riêng tới văn phòng làm việc trong dinh Độc Lập.
Sau mấy ngày chia thành các nhóm trinh sát và cho hai xe máy chở các chiến sĩ Đặc công Thành “thực tập” phương án, chỉ huy B5 chọn thời điểm thực hiện vụ mưu sát là ngày 1/2/1969. Thời gian, địa điểm cụ thể không quy định trước, ta bố trí bám theo xe Viên và khi nào thuận lợi sẽ ra tay, vũ khí chủ yếu là những trái mìn tự tạo với trọng lượng khoảng 1,5kg thuốc nổ C4. Đội ám sát gồm 4 người là Võ Văn Đồng; Nguyễn Văn Cạn (tức Út Cạn); Hoàng Sinh (tức Sáu Sinh) và Lê Việt Bình (tức Hai Đường) đi trên 2 xe máy với 2 quả mìn tự chế, do đồng chí Nguyễn Văn Lệnh (tức Tư Hổ, Phó Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang nội đô B5) trực tiếp chỉ huy.
Vì đội lốt là học sinh nên Lê Việt Bình phải giấu quả mìn trong cuốn từ điển Anh - Việt. Đúng 6 giờ 30 phút, ngày 1/2/1969, các trinh sát An ninh vũ trang có mặt tại ngã tư đường Nguyễn Thông và Phan Thanh Giản (đường Điện Biên Phủ ngày nay). Khi chiếc xe EA-5521 và 2 xe Jeep hộ tống tới ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản, thì gặp đèn đỏ. Đúng như dự kiến, cả 3 xe dừng lại. Lập tức Út Cạn ném trái mìn vào đầu chiếc xe EA-5521. Hai Đường ném trái mìn về phía 2 xe Jeep hộ tống. Bọn địch không kịp trở tay. Trinh sát An ninh vũ trang rút lui an toàn bằng xe máy... Đây là trận đánh trong nội đô Sài Gòn đã tạo được tiếng vang của Đội trinh sát An ninh vũ trang B5 kể từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968.
Ngày hôm sau, diễn biến vụ đánh mìn tại ngã tư Bà Huyện Thanh Quan – Phan Thanh Giản đã được báo chí Sài Gòn mô tả chi tiết. Khi ấy, các chiến sĩ Đội trinh sát vũ trang B5 mới biết viên tướng trong chiếc xe bốn chỗ màu đen không phải là Linh Quang Viên mà là Nguyễn Văn Kiểm, viên tướng hai sao đang giữ chức Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống. Nguyễn Văn Kiểm đã vô tình trở thành mục tiêu của lực lượng an ninh, bởi đúng ngày đó, y lại sử dụng chiếc xe mà mọi ngày Linh Quang Viên vẫn dùng. Do cả hai viên tướng đều trú trong cùng khu gia binh ở đường Nguyễn Thông nên các chiến sĩ đội B5 đã có sự nhầm lẫn ngẫu nhiên. Sau khi được đưa ra nước ngoài chữa trị, Kiểm tử vong ít ngày sau đó…
Vụ ám sát Nguyễn Văn Kiểm xem như một “cú tát” vào mặt Nguyễn Văn Thiệu vì lời tuyên bố đã “đẩy Việt cộng ra khỏi Sài Gòn”. Để gỡ sĩ diện, Nguyễn Văn Thiệu mở hầu bao rộng rãi và trực tiếp chỉ đạo một chiến dịch lùng sục thủ phạm mang bí số "Phượng hoàng 486". Cảnh sát và quân cảnh lập các trạm kiểm soát liên hợp khắp các ngõ ngách. Bất cứ ai có biểu hiện khả nghi đều bị đưa về đồn thẩm vấn. Suốt 2 tháng ròng rã điều tra tập hồ sơ cũng chỉ là những dấu hỏi lớn.
Nỗi kinh hoàng của địch
Sau chiến công đầu tiên, B5 lại nhận được lệnh tiêu diệt Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương. Bởi sau cú đánh “vỗ mặt” của ta trong Tổng tấn công Mậu Thân và vụ ám sát Nguyễn Văn Kiểm đã khiến Nguyễn Văn Thiệu ép Nguyễn Văn Lộc từ chức, Trần Văn Hương thay Lộc làm Thủ tướng. Hương là người quyết liệt chống cộng và cũng nổi tiếng về sự thận trọng. Kể từ sau Nguyễn Văn Kiểm bị ám sát, ông ta dọn nhà vào doanh trại Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa cư trú. Đó là nơi ẩn trú an toàn vì con đường Bạch Đằng (nay là Tôn Đức Thắng) đi vào khu vực này là đường độc đạo, lại được lính có vũ trang bảo vệ nghiêm ngặt.
Sơ đồ vụ ám sát Tướng Kiểm (do Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn phác họa)
Tình hình trận địa được địch bố phòng như vậy, việc ám sát Trần Văn Hương gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy nhiên, toàn đội B5 vẫn cương quyết thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "quyết tử vì mục tiêu thống nhất đất nước". Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế cũng như nắm bắt quy luật đi lại của mục tiêu, toàn đội B5 quyết định thực hiện lệnh tử hình Thủ tướng Trần Văn Hương tại ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Thời gian được ấn định là cuối giờ làm việc buổi sáng ngày mùng 6 tết Kỷ Dậu (tức 3/3/1969 Dương lịch), khi đoàn xe của Trần Văn Hương từ trong dinh Thủ tướng chạy về hướng Bộ Tư lệnh Hải quân.
Sáng sớm ngày mùng 6 tết Kỷ Dậu 1969, Lê Việt Bình đạp chiếc xích lô chứa mìn đến khu vực Nhà thờ Đức Bà chờ thời khắc hành động. Khi đến nơi, trinh sát mật cho biết hủy nhiệm vụ vì Trần Văn Hương chưa đi làm việc. Ông Bình đạp xe về “kho” ở Tân Bình cất giấu chờ lệnh mới. Sáng ngày mùng 7 tết, cả tổ nhận lệnh tập kết để chờ Trần Văn Hương trở về từ dinh thủ tướng. Không ngờ hôm đó Hương cùng Nguyễn Văn Thiệu đi trực thăng đến Tòa Đại sứ Mỹ ăn nhậu, cả tổ lại giải tán.
Sáng ngày mùng 8, cả tổ lại tập kết tại khu vực Nhà thờ Đức Bà chờ mục tiêu. Lê Việt Bình đạp xích lô chở đồng chí Tư Hổ và quả mìn. Khi tiếng chuông đồng hồ trên tháp bưu điện Sài Gòn điểm 12 tiếng, cả tổ tiến về vị trí định sẵn. Đoàn xe của Trần Văn Hương vừa rẽ vào đường Nguyễn Du, Lê Việt Bình đẩy chiếc xích lô ra giữa đường ngay đầu xe chở Trần Văn Hương. Đoàn xe của Trần Văn Hương khựng lại. Lê Việt Bình giật nụ xòe quả mìn ném vào đoàn xe rồi chạy nhanh vào lề đường nấp người sau gốc cây. Do mìn không nổ, nên Trần Văn Hương may mắn thoát chết. Tuy vậy, dư chấn từ những vụ ám sát giữa nội đô do ông Lê Việt Bình và đồng đội thực hiện đã khiến cho bọn quan chức, tướng lĩnh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và quân Mỹ hoảng sợ....
Chiến tranh kết thúc, Thiếu tá Lê Việt Bình tiếp tục công tác trong lực lượng Công an nhân dân rồi sau đó được cấp trên điều chuyển qua một số đơn vị, thực hiện một số nhiệm vụ khác trước khi về hưu vào năm 2002. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã từng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng II; Huy chương Vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc. Nhưng, điều khiến ông tự hào nhất là khi Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban An ninh T4, nơi mà ông đã từng gắn bó một thời.