Ký ức người khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ

Kiên Cường| 07/05/2014 16:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người khẩu đội trưởng cối 82 ly, Nguyễn Hữu Chấp được vinh dự nhận mệnh lệnh vào lúc 19 giờ ngày 13/3/1954 nã những phát đại bác đầu tiên trong chiến dịch mở màn trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ.

Giờ đây, dù đã ở ngoài tuổi 80, nhưng khi ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, trong ánh mắt ông Chấp vẫn ánh lên niềm vui về thời quá khứ hào hùng, oanh liệt. 

Quyết tâm vào bộ đội

Một chiều cuối tháng Tư, trong căn nhà nằm khuất nẻo ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), chúng tôi được ông Chấp kể cho nghe về thời binh lửa của mình. Dù đang ở cái tuổi “bát thập” nhưng ông Chấp vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và tác phong người lính thể hiện rất rõ khi ông ngồi trò chuyện.

Bằng giọng nói hào sảng, ông Chấp kể cho chúng tôi nghe rành rọt về những năm tháng chinh chiến đã qua của cuộc đời mình, những ngày tháng oai hùng của dân tộc mà ông vinh dự được có mặt trong đoàn quân tiên phong cùng với đồng đội làm lên lịch sử. Niềm tự hào xen lẫn nỗi buồn trong câu chuyện của ông khi kể về những trận đánh và những đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn nằm lại nơi chảo lửa Điện Biên Phủ, trên chính mảnh đất mà giờ đây ông đang sống. Ông bảo: “Hàng ngày, tôi vẫn như thấy hơi thở của những đồng đội năm xưa...”.
Ông Chấp SN 1931, quê ở miền núi trung du Phú Thọ. Từ bé, ông đã phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ, chịu đựng biết bao bất công, áp bức. Năm 1949, ông Chấp xung phong vào bộ đội. Nhưng, cái chuyện được vào bộ đội của ông là cả một quá trình gian nan, vất vả, bởi ông vừa nhỏ, lại thiếu cân. Không nản chí, ông vẫn kiên trì theo đuổi ước muốn được cầm súng đánh giặc. Và rồi, ông cũng được nhận vào Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Ký ức người khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Hữu Chấp năm 1954

Những năm tháng là người lính của Đại đoàn 312 trước khi hành quân lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chấp đã tham gia 7 chiến dịch với 28 trận đánh lớn, nhỏ. Chính điều đó đã cho ông trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm trong trận đánh lịch sử cuối cùng, để rồi cùng đồng đội làm lên chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu.

Trên đường tiến quân vào giải phóng Điện Biên, ông và đồng đội chỉ mong sao thật nhanh đến được sào huyệt cuối cùng của bọn thực dân Pháp và muốn thử sức mình với cái pháo đài bất khả xâm phạm ấy. Với những loại vũ khí tối tân hiện đại, thực dân Pháp đã huênh hoang tuyên bố: Cứ điểm Điện Biên Phủ của chúng sẽ là cối xay thịt, sẽ nghiền nát bất cứ đội quân nào, dù là tinh nhuệ nhất.

Trước chiến dịch Điện Biên, ông Chấp và đồng đội của mình thuộc Trung đoàn 209 đã có bài học xương máu trong những trận đánh trên các mặt trận, chiến trường khác. Đó là trận đánh sân bay Nà Sản, tỉnh Sơn La vào năm 1952. Trong thế chẻ tre, Trung đoàn ông truy kích quân địch chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt. Chúng kéo về co cụm tại sân bay Nà Sản rồi bí mật tập trung hỏa lực để phục kích. Khi đó, do đang ở thế thắng nên Trung đoàn có phần chủ quan. Chính điều đó đã dẫn đến Tiểu đội đại liên do ông Chấp làm Tiểu đội trưởng hy sinh mất 12 người và bản thân ông cũng bị thương bởi quả đạn pháo cối 60 của địch. Đó là bài học vô giá cho ông và những người đồng đội còn sống sót trong trận đánh ngày hôm ấy.

Thời khắc lịch sử

Khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, ông Chấp được giao Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82, với nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh mở màn chiến dịch. Lệnh của cấp trên yêu cầu phải thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn đồn bốt tại cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, tất cả Khẩu đội của ông viết tâm thư, và chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đến tận nơi động viên, giao nhiệm vụ. Còn về phía địch lúc bấy giờ vẫn không ngừng rải truyền đơn với mục đích làm nhụt ý chí chiến đấu của bộ đội ta, đồng thời khuếch trương thanh thế của chúng...

Lúc bấy giờ, với vị trí “‘đầu sóng ngọn gió’’ nên Him Lam được Pháp xây dựng thành vị trí kiên cố bậc nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một trong ba trung tâm đề kháng tại cửa ngõ Tập đoàn cứ điểm. Him Lam được quân Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500m, gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km.

Để có thể tạo bất ngờ, Khẩu đội của ông Chấp được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm dài 5km từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Suốt ròng rã nửa tháng trời, ông cùng với đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào, ai cũng mong thật nhanh đến được đích, phần vì muốn nã đạn vào kẻ thù, phần vì muốn thoát khỏi cảnh suốt ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt, thiếu khí thở, ngột ngạt vào ngày mưa, nóng bỏng như rang vào ngày nắng. Thời điểm ấy, ông Chấp và đồng đội luôn phải động viên nhau, chia sớt với nhau từ bát nước, miếng cơm...

Và rồi, niềm vui của ông và những đồng đội của mình vỡ òa vào sáng ngày 13/3/1954, khi đường hào đã hoàn thành. Đó cũng là lúc Khẩu đội cối 82 ly của ông nhận được mệnh lệnh đợi đến tối sẽ khai hỏa. Ông và những người đồng đội có lẽ không bao giờ quên được những giây phút chờ đợi hồi hộp, chỉ mong sao cho trời nhanh tối để được bật lên khỏi lòng đất, nã những phát đạn đầu tiên vào kẻ thù.

Ký ức người khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ

Cựu Chiến binh Nguyễn Hữu Chấp hiện nay

Cái khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông và đồng đội rồi cũng đến, đúng 19 giờ ngày 13/3/1954, ông Chấp được lệnh nổ phát đạn đầu tiên rồi cùng đồng đội tấn công Him Lam. 40 khẩu pháo cỡ 75 đến 120mm đồng loạt nhả đạn, một viên đạn pháo rơi trúng Sở Chỉ huy Him Lam, giết chết thiếu tá Chỉ huy trưởng Paul Pesgot cùng với ba sĩ quan khác. Bất ngờ, Khẩu cối 82 của khẩu đội ông Chấp bị đạn của địch bắn mẻ lòng, hai đồng đội hy sinh, 5 người bị thương nặng. Nhưng, với ý chí quyết tâm thắng giặc bằng mọi giá, ông Chấp đã cho điều chỉnh lại thước ngắm để tiếp tục chiến đấu. Vài tiếng sau, quân địch ở đồi Him Lam hoàn toàn bại trận, quân ta đã tiêu diệt gần 300 địch, bắt sống 200 tù binh. Chiến thắng Him Lam là chiến thắng đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận thắng ấy đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận. Sau đó, Khẩu đội của ông Chấp lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2 với những trận đánh giằng co ác liệt giữa ta và địch. Phải giành nhau từng mét đất, ông Chấp và đồng đội của mình kiên trì bám trụ vị trí chiến đấu đến khi Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi. Bằng ý chí ngoan cường, ông Chấp đã cùng đồng đội làm nên chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử chống ngoại xâm vĩ đại của dân tộc.

Còn mãi nghĩa tình đồng đội

60 năm đã trôi qua, khói lửa không còn trên đồi Him Lam, nhưng mãi mãi vẫn còn đó chiến công lẫy lừng của những người Chiến sĩ Việt Nam kiên cường, giàu lòng yêu nước như ông Chấp và đồng đội trong Khẩu đội cối 82. Đến giờ, những giá trị và ý nghĩa của chiến thắng vang dội của bộ đội ta khi chiếm lĩnh đồi Him Lam vẫn còn vẹn nguyên đối với mỗi người dân Việt Nam.

Ký ức người khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ

Một đợt xung phong của các chiến sĩ Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Khi thời khắc cả dân tộc đang hướng về Điện Biên, ông Chấp vẫn còn canh cánh nỗi lòng với đồng đội của mình đã nằm lại. Dù ông đã làm tròn trách nhiệm với rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, đó là đưa hài cốt của họ về quê hương an nghỉ, nhưng vẫn còn đó nhiều người phải nằm lại rừng xanh. Ông Chấp ngậm ngùi: “Những kỷ vật quan trọng trong những năm tháng đó, tôi vẫn giữ nguyên vẹn, như tấm bản đồ Điện Biên Phủ thời Pháp chẳng hạn, giữ để sau này dùng vào việc xác định nơi những người đồng đội của tôi đã nằm lại”. Và, cũng chính vì muốn làm nốt phần việc nghĩa tình với đồng đội như thế nên kể từ năm 1954 đến giờ, ông Chấp nguyện gắn bó với mảnh đất mà ông và đồng đội đã từng kề vai, sát cánh làm nên chiến thắng chấn động địa cầu, nơi ông đã từng vinh dự được giao trọng trách là người khai hỏa đầu tiên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức người khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ