Ký ức của cựu binh khi nhớ về ngày 30/4 lịch sử

Đức Chung| 30/04/2021 13:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ lại thời khắc cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn Miền Nam, cựu binh Lê Dương Tuyền (66 tuổi, trú ở xóm 1 xã Diễn Hải huyện Diễn Châu, Nghệ An), vẫn cảm thấy rưng rưng, xúc động xen lẫn niềm tự hào.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết

Giống như bao thế hệ thanh niên khác, khi đất nước đang trong thời chiến. Năm 17 tuổi, Lê Dương Tuyền hăng hái đăng kí lên đường nhập ngũ. Dù chưa đến tuổi đi nghĩa vụ, nhưng thể theo nguyện vọng của anh và gia đình, hội đồng tuyển quân lúc đó cũng chấp thuận. 

Thời gian huấn luyện tân binh ở Đoàn 22 (Hà Tĩnh) kéo dài 3 tháng. Kết thúc đợt huấn luyện, Tuyền và đồng đội hành quân sang chiến đấu ở Lào, lúc đó Tuyền thuộc sự đoàn 316, với nhiệm vụ là lính trinh sát. Qua Lào chiến đấu được 4 tháng, sư đoàn được lệnh rút quân về Nghệ An để chuẩn bị cùng các cánh quân khác tiến vào chiến trường miền Nam. 

Tháng 12/1974, sư đoàn 316 rút quân về Nghệ An theo mệnh lệnh từ cấp trên, vì nhiệm vụ bí mật nên biệt hiệu F316 tạm thời bị xóa bỏ, thay vào đó sư đoàn mang biệt hiệu mới là A2 (gọi là biệt hiệu nghi binh).

Ngày 10/3/1975, đoàn quân của ông tiến vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuật (nay là TP.Buôn Ma Thuột)– tỉnh Đắk Lắk. Riêng trận đánh ở sân bay Hòa Bình là trận đánh trong thế giằng co và ác liệt giữa ta và địch.

1-1-.jpg
Nhớ về ngày 30/4 lịch sử, cựu binh Lê Dương Tuyền lại thấy xúc động xen lẫn tự hào.

Được biết, sân bay Hòa Bình do người Pháp xây dựng năm 1950, nằm cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 10km về phía đông. Năm 1968, chính quyền Mỹ-ngụy phục hồi lại và đưa vào sử dụng sân bay này với chức năng là căn cứ chỉ huy không quân. Đây là nơi quân địch dùng làm đường rút chạy khi cần thiết cũng như tăng quân bằng đường không để yểm trợ cho các chiến trường lân cận.

Sân bay Hòa Bình có căn cứ 53 rất kiên cố, quân địch tập trung nhiều lực lượng và hỏa lực mạnh ở điểm này để bảo vệ sân bay, chống trả những tấn công từ bên ngoài.

Khoảng 2h10ph ngày 10/3, quân ta bắt đầu nổ súng, tấn công và làm chủ một phần sân bay. Sau nhiều trận đánh trong thế giằng co giữa ta và địch, đến ngày 17/3/1975, căn cứ 53 của địch bị quân ta tiêu diệt, làm chủ toàn bộ khu vực sân bay Hòa Bình.

2-1-.jpg
Bức ảnh chụp Hội đồng quân ngũ 1974 xã Diễn Hải của cựu binh Tuyền. (Cựu binh Tuyền đứng hàng phía dưới, thứ 2 từ phải sang).

Nhớ lại khoảnh khắc đó, cựu binh Tuyền cho biết: “Với nhiều người lính, có lẽ trận đánh ở sân bay Hòa Bình sẽ không thể nào quên được, bởi sự cam go và ác liệt. Quân ta đã tổn thất nhiều lực lượng ở đây và cũng trong trận đánh ác liệt này, tôi đã bị thương một bên chân, nhưng may mắn giữ được mạng sống ”.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Thắng lợi Buôn Ma Thuột làm cho đối phương choáng váng, là một “cú hích” để những đoàn quân giải phóng thần tốc tiến về Sài Gòn.

Ngày 7/4/1975, toàn bộ các cánh quân của ta ở phía Nam nhận được một bức điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến.

Với tiền đề là trận thắng mở màn ở Buôn Ma Thuật, ngày 23/4, quân ta tiếp tục tiến quân giải phóng tỉnh Tây Ninh, qua đó chặn đường quốc lộ 22, không cho địch đường rút lui về Sài Gòn. Nhiều trận đánh ở các huyện, cứ điểm quan trọng liên tục diễn ra, riêng trận đánh ở căn cứ quân sự Đồng Dù ngày 29/4/1974 là trận đánh hết sức ác liệt, nhằm đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ Sài Gòn.

3-1-.jpg
Kỷ niệm chương của Hội truyền thống QTN và CGQS Việt Nam giúp Lào đối với ông Lê Dương Tuyền

Cựu binh Tuyền chia sẻ: “ Ở Đồng Dù chỉ có một lối vào duy nhất, đây là một căn cứ trọng yếu của quân ngụy, cách Sài Gòn 30 km về phía Tây Bắc, nơi đây xung quanh là đầm lầy, quân địch tin rằng ta sẽ không thể vào đánh chiếm được, nên không thể tiến vào Sài Gòn. Trận đánh này dự báo sẽ rất quyết liệt, đòi hỏi mỗi người phải cố gắng cao nhất để giành thắng lợi. Để có thể tiến quân vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam”.

Đúng 5h30’ ngày 29/4, lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù vang lên. Pháo binh của ta nã xối xả vào căn cứ địch. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh tấn công. Quân địch tập trung chống cự điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhưng với chiến thuật, sự thông minh và khả năng chuyển biến linh hoạt trên chiến trường. Đồng Dù bị tiêu diệt và tan rã. 

Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” của địch bảo vệ Sài Gòn bị đập tan, đường vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch đã thông, các lực lượng xe tăng, pháo binh ào ạt tiến vào Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Đến 11h30 ngày 30/4/1975, quân ta khi thế hào hùng tiến quân vào Dinh Độc Lập trước sự thất thủ của ngụy quân. Cờ  Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam  tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập, báo hiệu Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Bình dị ở đời thường

Sau khi Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tuyền được cử đi học ở tỉnh Vĩnh Phúc, đây cũng là lần đầu tiên ông được trở về quê thăm bố mẹ, anh chị ở quê nhà.

Sau thời gian đi học, ông tiếp tục tham gia chiến đấu và bảo về ở miền Nam rồi bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến tháng 1/1982 ông xuất ngũ vì hoàn cảnh của gia đình. Trải qua quãng thời gian chiến đấu kiên cường, ác liệt năm nào đã tôi luyện nên ý chí cũng như nghị lực của cựu binh Tuyền. 

Trở về địa phương, cùng vợ tích cực lao động, sản xuất để nuôi dạy các con. Ông tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và làm Công an viên của xã cho đến nay. Với những đóng góp của mình cho Tổ quốc và địa phương, ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen và huy chương các loại, của đơn vị, của địa phương.

Với ông, may mắn sống sót để trở về với gia đình đó là một điều kỳ diệu, bởi chiến tranh lúc đó quá ác liệt. Giờ đây khi nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống năm nào, lòng ông thấy nặng trĩu.

4-2-.jpg
Quân ta đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù (Tây Ninh). Ảnh tư liệu

Ông Tuyền xúc động nói: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng để có được ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải ngã xuống, đã hy sinh xương máu cho dân tộc. Đó là những trang sử hào hùng của Tổ quốc, những năm tháng cam go, gian khổ nhưng oanh liệt, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Tôi may mắn còn sống sót để trở về, tôi được chiến đấu, được chứng kiến ngày miền Nam được giải phóng là hạnh phúc nhất rồi. Chỉ mong sao thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí của dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ cha ông để góp trí lực xây dựng Tổ quốc”.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức của cựu binh khi nhớ về ngày 30/4 lịch sử