Bản Pọong nằm dưới chân núi Sài Khao (Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa), bên bờ thượng nguồn sông Luông, ẩn hiện giữa núi mây mờ ảo.
Vẻ đẹp nên thơ, trữ tình như trong cổ tích ấy đã từng đi vào thơ Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi...”. Nhưng sau khi bị “cơn bão trắng” tràn qua cách đây khoảng chục năm, bản Poọng đã trở nên tiêu điều, xơ xác…
“Cơn bão trắng” tàn phá bản nghèo
Tất cả bắt đầu từ hơn chục năm về trước, khi đó, bản Poọng có chừng gần 100 hộ gia đình với hơn 400 nhân khẩu, đồng bào ở đây đều lo toan làm ăn dù vẫn còn nghèo khó. Thế nhưng, từ cuối những năm 2000, bản Poọng bắt đầu bị “con bão trắng” tràn qua, vẻ bình yên thuở nào bị khuấy động. Lần lượt thanh niên trai tráng rủ nhau “đổ đời” vào ma túy, nhiều người rơi vào vòng lao lý. Cũng từ đó, bản Poọng dần trở nên tiêu điều, xơ xác…
Vào những năm đầu của thế kỷ 21, Mường Lát được xem là điểm nóng về ma túy của xứ Thanh. Bởi, với một đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Lào, toàn núi cao, rừng sâu lại tồn tại nhiều đường dân sinh băng qua bên kia biên giới - những yếu tố đó vô tình biến Mường Lát trở thành “rốn” ma túy, là địa bàn thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Mường Lát được xem là nơi trung chuyển "hàng cấm" về xuôi của đám “lái buôn tử thần”. “Cơm đen” được vận chuyển theo hai con đường chính: Từ Lào qua Sơn La xuống Mai Châu, rồi theo đường 6 hoặc từ Lào, hàng được đưa sang Pù Nhi đến Tam Chung (Mường Lát) xuôi sông Mã về Co Lương (xã Vạn Mai)...
Lâu nay, mấy chị em Hà Thị Cới phải tự chăm sóc cho nhau
Do ở “trung tâm của bão” nên bản Pọong bị tàn phá nhanh và có lẽ là nặng nề nhất ở xã Tam Chung. Con số người nghiện cứ tăng dần, đến một ngày, người đầu tiên của bản chết vì căn bệnh HIV/AIDS thì cả bản mới biết “bão” đã tràn về. Sau đó, lần lượt nhiều thanh niên, trung niên khác chết vì HIV/AIDS, hoặc chết vì sốc ma túy. Ước tính, trong toàn xã Tam Chung thời bấy giờ có khoảng gần 80 người chết vì HIV/AIDS thì riêng bản Poọng đã chiếm đến 40 người.
Năm 2007-2009 là thời điểm mà bản Pọong phải chứng kiến nhiều cái chết đau thương nhất, toàn những thanh niên đang độ tuổi lao động, đang hừng hực sức xuân. Bản vắng bóng đàn ông. Cơn bão ma túy đã biến những chàng trai ấy thành nô lệ của nàng tiên nâu và dần dần từ giã cuộc đời để lại cho người thân những nỗi đau đớn đến tột cùng, đặc biệt là có quá nhiều những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Có gia đình có tới 5 người chết vì HIV/AIDS, có những gia đình cả bố, mẹ đều chết vì HIV/AIDS, để lại đàn con nheo nhóc.
Những phận đời rách nát
Nằm ngoài rìa bản Pọong, sát với cánh đồng lúa là căn nhà phên tre của một cặp vợ chồng cùng chết vì bệnh AIDS. Trong căn nhà đó đã từng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc với vợ, chồng và hai đứa con, gái trai đủ cả. Thế nhưng, giờ đây trong căn nhà đó chỉ còn lại hai đứa trẻ, đứa lớn năm nay mới 14 tuổi, đứa bé mới chưa đầy 5 tuổi. Khi chúng tôi đến, có mỗi cậu bé Hà Văn T ở nhà, cô chị Hà Thị Th đã đi làm trên nương từ sáng sớm.
Từ ngày bố mẹ nghiện ma túy rồi nhiễm HIV-AIDS và chết đi, nhà chỉ còn hai chị em, hàng ngày cô chị đi làm thuê kiếm tiền nuôi em. Cậu em 5 tuổi ở nhà một mình, tự lo cho mình những sinh hoạt hàng ngày. Đói thì vào bếp kiếm cái gì đó ăn, bẩn thì tự đi ra bể nước chung của cả bản để tắm và cũng tự đi ngủ một mình.
Thỉnh thoảng bà ngoại nhà ở cuối bản sang động viên hai cháu nhỏ. Bà Hà Thị Pun năm nay cũng đã 72 tuổi, lay lắt như ngọn đèn trước gió. Năm 2007, con trai bà là Hà Văn È chết vì ma túy, hai năm sau con gái và con rể cũng lần lượt ra đi. Thương hai cháu nhỏ sớm mồ côi cha mẹ nhưng bà cũng không làm được gì nhiều ngoài việc thỉnh thoảng mang sang cho cháu nắm gạo, củ khoai bà đổi được từ nhặt vỏ cây rừng bán cho người dưới xuôi thu mua làm thuốc nam. Người đàn bà đã ở tuổi xế chiều, nếm trải biết bao đắng cay của cuộc sống nhưng cũng không thể ngờ cuối đời vẫn phải chứng kiến cảnh "lá vàng tiễn lá xanh".
Cách nhà bà Pun vài con dốc, nhà chị Hà Thị Lại có phần “tươm tất” hơn. Chị vừa khóc vừa kể, hiện chị đang nuôi cháu Hà Văn Thiên, là con của người em chồng. Bố mẹ cháu Thiên là anh Hà Văn K và chị Hà Thị Q đều đã chết từ năm 2008. Cháu Thiên lúc đó mới chưa đầy 1 tuổi và đã được chị mang về nhà chăm bẵm. Nhà cũng chẳng khấm khá gì so với người dân trong bản, chồng chị cũng đã mất, chị ở vậy vừa nuôi con mình, vừa nuôi đứa cháu nhỏ.
Một góc Bản Pọong
“Bố mẹ cháu mất rồi, chồng tôi cũng mất rồi. Nhà chỉ còn tôi và hai cháu thôi. Có ông nội các cháu ở gần đây nhưng ông cũng già yếu rồi, không giúp được nhiều cho chúng tôi. Cuộc sống khó khăn lắm. Một mình tôi chỉ có thể lo cho con mình và thằng Thiên không bị đói thôi. Sắp tới, thằng Thiên đến tuổi đi học rồi nhưng chắc cũng khó lắm, ai cho nó học và tiền đâu để cho nó ăn học bây giờ. Mong cho nó lớn lên khỏe mạnh để có thể tự lao động kiếm sống thôi”, chị Lại nghẹn ngào.
Có lẽ hoàn cảnh khốn khó nhất trong số những đứa trẻ mồ côi ở bản Pọong mà chúng tôi biết chính là gia đình cháu Hà Thị Cới. Bốn chị em, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa bé mới hơn 2 tuổi. Bố mất từ hai năm nay, mẹ chúng là chị Hà Thị Phòong còn sống nhưng đã bị nhiễm HIV/AIDS, hay bỏ đi lang thang, cũng không chăm sóc gì được cho các con.
Mấy chị em Cới được một người chú của bố tên là Lò Văn May nuôi. Cuộc sống qua đi, mấy ông cháu sống nhờ bằng lòng hảo tâm của bà con trong bản. Căn nhà tuềnh toàng mà họ đang ở cũng là nhà của một người trong bản cho ở nhờ. Những đứa trẻ tỏ ra lạ lẫm và thích thú khi chúng tôi đưa những túi sữa tươi mang theo. Lần đầu tiên trong đời, chúng được biết đến những thực phẩm mà đám trẻ con thành phố vẫn có hàng ngày. Cứ thế, cuộc sống trôi đi mà không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Ông May bảo: “Bố chúng nó chết rồi, mẹ thì ốm đau suốt. Tôi là chú của bố chúng nó. Tôi sống một mình nên gom các cháu về, ông cháu dựa vào nhau mà sống. Căn nhà này của người ta cho. Nhà của chúng tôi trước ở đầu bản nhưng lâu ngày không được sửa sang nên hỏng hết rồi. Tôi già, không đủ sức làm được việc gì, chỉ đi quanh bản xin cơm về cho chúng nó thôi. Có mỗi con Cới là đã biết đi làm thuê kiếm tiền, chứ mấy đứa sau còn nhỏ quá. Khổ lắm...”.
Thắp lên niềm hy vọng
Gia đình cuối cùng chúng tôi đến là nhà của Trưởng bản Vi Văn Thuận. Thường khi nghe nói đến vị trí Trưởng bản, ai cũng nghĩ, đó phải là những người đàn ông từng trải, có uy tín nhưng ở bản Pọong, Trưởng bản Vi Văn Thuận mới ngoài 30 tuổi. Những lao động chính của cả bản lần lượt ra đi, bản chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em thì đàn ông như Vi Văn Thuận trở thành người hiếm hoi còn lại, là chỗ dựa tinh thần cho cả bản. Làm Trưởng bản, biết những cái xấu đến từ ma túy nhưng ngay trong chính gia đình của Thuận cũng lại có những nỗi đau tột cùng vì ma túy.
Ông Vi Văn E, bố đẻ của Trưởng bản Vi Văn Thuận có 5 người con trai thì giờ chỉ còn hai. Thực chất, trong hai người con còn lại ấy, chỉ duy nhất cậu con thứ 3 - Trưởng bản Vi Văn Thuận là lành lẽ, vì người anh kế trên của Thuận cũng đã bị nhiễm AIDS giai đoạn cuối. Ông Vi Văn E cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác trong bản đều đã không còn nước mắt để khóc con. Nỗi đau lớn nhất của ông chính là nhìn thấy những đứa con lần lượt ra đi...
Người cựu chiến binh đã từng tham gia đánh Mỹ bảo, bom đạn B52 không khuất phục nổi ông nhưng ông lại bất lực khi nhìn ma túy quật ngã gần hết những đứa con trai của mình. “Tôi đã từng tham gia cách mạng, vào sinh ra tử trong chiến tranh, đã từng làm lãnh đạo, ấy vậy mà chẳng dạy được con để chúng nó đua đòi nên mới ra nông nỗi này. Hiện tại, chỉ còn mỗi thằng Thuận có gia đình tử tế và nó làm trưởng cái bản này. Bốn thằng anh em nó thì chết ba đứa rồi, một đứa đang ốm nặng…”, ông E ngậm ngùi.
Đã hơn 10 năm kể từ khi cơn bão HIV/AIDS tràn qua bản Pọong, giờ đây, nhờ sự đấu tranh không khoan nhượng của các lực lượng chức năng, nhiều đường dây buôn bán ma túy ở Mường Lát bị triệt xóa, hàng loạt “lái buôn tử thần” sừng sỏ phải “dựa cột” hoặc mang án tù chung thân. Giờ bản Pọong đã dần bớt “nóng” và yên bình cũng đã trở lại với Sài Khao. Người dân ở đây đã tìm lại niềm vui nơi nương rẫy, màu xanh của lúa, ngô đã mướt mát khắp lưng núi, sườn đồi. Và hơn hết là niềm tin đã sáng lại trong mắt mỗi người...