Khi xa nhà, tôi lại nhớ về biển. Biển ám ảnh cả trong giấc mơ. Tôi mơ thấy mình nằm dưới tán phi lao đầy gió, những cơn gió mát rượi đi lên từ biển, một mặt biển xanh ngắt, êm ả, sóng vỗ nhè nhẹ như ru ngủ...
Thức giấc nửa đêm, tôi chợt nhớ ra mình đang sống trong một thành phố lớn-một thành phố chật chội với người và bê tông cùng với nhịp sống ồn ào, náo nhiệt. Tôi đã mơ về biển như một sự giải thoát.
Tôi sinh ra và lớn lên từ một thành phố nhỏ ven biển. Một thành phố nhỏ và chật hẹp hơn Nha Trang và Đà Nẵng. Lúc nhỏ, tôi vẫn cho thành phố mình là lớn nhất, bãi biển mình là đẹp nhất, nhưng về sau được đi nhiều nơi tôi mới thấy nhận định đó là ấu trĩ. Dù nó nhỏ nhưng càng đi xa lại càng nhớ. Giống như Xuân Diệu, trên 20 năm tập kết, ông vẫn không nguôi nhớ về quê me:̣ “Quê ngoại là gì, quê ngoại là ai /Mà tôi thương nhớ suốt tháng năm dài”.
Mỗi lần về lại Quy Nhơn, tôi lại cảm nhận cái không khí chậm chạp của lối sống tỉnh lẻ. So với nhiều thành phố, Quy nhơn còn rất nhiều xích lô đạp. Đi xích lô đạp chúng ta mới cảm nhận hết sự yên tĩnh của phố và biển. Có thể hình dung thành phố này như một cái chéo áo, nơi cuối của thành phố là nơi hợp lại của đầm và biển. “Đi năm phút đã về chốn cũ”, giống như câu thơ của Vũ Hữu Định để hình dung về sự nhỏ bé của thành phố này. Trong một truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nói về sự có mặt lặng lẽ của cát. Ở đầu đường cuối chợ của thành phố. Nhưng 50 năm sự bành trướng của nhà cửa đã làm mất đi một địa danh với một cái tên là “Xóm Động”. Đi vào xóm này giữa trưa thì đừng quên đôi dép vì mặt trời làm cát nóng lên, đi chân trần có thể làm bỏng chân. Ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sống ở đây trước khi vào bệnh viện phong Quy Hòa. Hiện nay nhà thơ của “bến sông trăng” đang yên nghỉ ở một ngọn đồi nhìn ra biển ở khu Gềnh Ráng, một đầu của biển Quy Nhơn, nơi đây đã trở thành khu tưởng niệm.
Biển đẹp nhất vào mùa từ tháng ba đến tháng bảy, lúc đó trời quang, biển lặng, có thể nhìn rõ Cù Lao Xanh phía xa khơi và thấy cả những bọt sóng trắng đập tung tóe vào các bãi đá ở Gềnh Ráng. Những bọt sóng này như xoáy vào ký ức của tôi những lúc xa nhà đi học. Biển Quy Nhơn vào mùa gió nồm, thứ gió mát dịu như lời thì thầm của các cô gái. Gió nồm đã đi vào lịch sử “lạy trời cho cả gió nồm / để cho chúa Nguyễn giăng buồm kéo ra”.
Đó là sự thay đổi của lòng dân, báo hiệu thời suy vi của nhà Tây Sơn.
Cách đây 50 năm người ta không có ý thức làm du lịch, nên không quy hoạch để giữ nguyên bãi cát trắng của biển Quy Nhơn. Vì thế trên bãi cát, nhà cửa xây cất lung tung kể cả dân chài cũng thi nhau lấn chiếm. Vì thế bãi cát đã không còn sạch sẽ. Sau năm 1975, chính quyền có cơ hội để làm trong sạch bãi cát, có thể di dời các hộ dân chài vào một vùng khác. Nhưng cơ hội đã qua đi. Mãi đến 30 năm sau giải phóng, chính quyền phải thực hiện một biện pháp tình huống là xây dựng mới một con đường nhựa ngay trên bãi cát để đưa nhà dân về phía bên kia. Điều đó có mặt trái là làm cho bãi cát hẹp hơn.
Những ngày biển trúng mùa là những ngày vui của cả thành phố. Biển trúng mùa được đánh dấu bằng những con ruốc nhỏ nhảy lao xao trên mặt biển. Mỗi sáng khi tắm biển, chúng tôi thường đưa hai tay hứng lấy, rồi cho ngay vào miệng. Những con ruốc ăn sống ngọt ngào làm sao. Vậy là những ngày sau đó bữa ăn thường có món ruốc tươi muối xổi trộn với sả ớt, ăn mấy chén cũng chưa hết thèm.
Một món cá ít thấy ở các nơi khác là cá “bánh đường”. Loại cá có vóc dáng và màu sắc giống như cá hồng. Đem cá này muối lạt rồi chiên lên ăn với nước mắm ớt tỏi vắt thêm chút chanh, rất bắt cơm. Người Bình Định thường ăn nước mắm không pha đường gọi là nước mắm mặn. Có lẽ là nước mắm nguyên chất làm từ cá cơm không quá mặn đến nỗi phải pha thêm đường. Vào thời nhà thơ Xuân Diệu còn ở đây, trúng mùa cá bánh đường nẫu rỗi gánh cá đi rao khắp phố phường, vì thế có câu thơ “lanh lảnh nghe rao cá bánh đường” khi nhà thơ nhớ về Quy Nhơn.
Bún cá là đặc sản của cư dân miền biển, ở Quy Nhơn chả cá được làm bằng cá thu hoặc cá mối. Đa số quán bún cá thường dùng chả cá mối hơn, vì nó rẻ tiền. Tôi nhớ mãi gánh bún cá của vợ chồng người Huế, mỗi sáng thường gánh tới trước cửa hàng lương thực. Khi gánh cá đã an vị, những chiếc đòn nhỏ được bỏ ra quanh gánh, mọi người xúm xít ngồi quanh lại. Tô bún có nước dùng màu vàng cam, trên mặt là những lát chả cá trắng tươi đang bốc khói. Ăn kèm theo rau thơm, bắp chuối xắt nhỏ thì thật tuyệt vời. Ăn một tô muốn ăn thêm tô nữa, nhưng buổi sáng chỉ có thế thôi. Vừa ăn, vừa thèm mới đúng điệu. Sài Gòn gần đây có vài ba tiệm bún cá, mang thương hiệu “Quy Nhơn” đàng hoàng nhưng ăn sao không có hương vị như ăn tô bún cá ở quê nhà. Có lẽ món ăn địa phương này được gia giảm chút đỉnh cho hợp khẩu vị của người Sài Gòn.
Nhớ xưa, mỗi mùa hè chúng tôi trông đợi nhất là món bún sứa do má tôi làm. Bún sứa không phải bún cá bỏ sứa lên mà thành. Bún sứa là món ăn cầu kỳ phải ăn ở nhà mới có đầy đủ đồ dùng kèm theo sứa. Ví dụ như nước dùng phải nấu rục xương heo vớt bọt, trên mặt phải có tôm tươi, thịt ba chỉ (ba rọi), còn rau sống thì nhiều nhất là rau húng lủi. Khi ăn, ngoài các phụ gia quen thuộc, ta còn nghe tiếng sực sực của thân sứa tươi, rất thú vị. Má tôi có thói quen nấu xong không ăn, mà chỉ ngồi nhìn đám con tranh nhau nhai, húp sì sụp, mắt má tôi lại sáng lên với một niềm hạnh phúc vô bờ. Vì thế mỗi khi ăn bún sứa, tôi lại bùi ngùi nhớ đến hình ảnh của má xưa.
Nói đến cá ngừ, những ai xa quê đều nhớ đến mắm ruột. Đó là ruột con cá ngừ được muối mắm. Món ăn đơn giản là cà dĩa xắt tươi từng lát dày chấm vào mắm ruột. Món ăn vùng biển dân dã như thế mà cũng làm lòng mình nhớ đến da diết...