Cụ thể, Hội nghị giao ban công tác khoa giáo 6 tháng đầu năm 2019 vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ ổn định đến năm 2020 và được cải tiến vào năm 2021.
Theo lộ trình Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi này sẽ được duy trì đến năm 2020 và cải tiến vào năm 2021. Trước đó, vào tháng 4.2019, Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam”.
Tại hội thảo, đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” do PGS Nguyễn Phương Nga - Viện trưởng Viện đo lường đánh giá chất lượng giáo dục làm chủ nhiệm đề tài - đã đề xuất 2 phương án để công nhận tốt nghiệp THPT trong giai đoạn tới.
Đại diện nhóm cũng cho biết, Việt Nam kể từ năm 1975 đến nay đã qua 7 lần cải tiến các kỳ thi THPT. Tuy nhiên các kỳ thi THPT này vẫn chưa thay đổi được những căng thẳng cho nhiều tầng lớp trong xã hội.
Ảnh minh họa.
Với những thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 2 phương án để công nhận tốt nghiệp THPT trong thời gian tới.
Phương án 1: Các trường THPT sẽ cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình THPT và đạt các điều kiện quy định của Bộ GD-ĐT.
Học sinh đã có Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD-ĐT. Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm và có thể 3 lần/năm do Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức thi.
Thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp với kế hoạch cá nhân. Kỳ thi được tổ chức tại các Trung tâm Khảo thí đặt tại các tỉnh/thành. Thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn (tiếng Việt) và ngoại ngữ nằm trong chương trình học lớp 12.
Phương án 2: các trường THPT tổ chức thi tại trường cho những học sinh đã học xong chương trình THPT theo các đề thi do Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế. Các đề thi này là những “đề thi thử nghiệm” để đánh giá năng lực của học sinh. Đồng thời cũng là điều kiện để Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp tạo lập ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.
Thời điểm thi do trường bố trí phù hợp với khung thời gian của nhà trường. Học sinh đạt điểm theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Sau đó, thí sinh cũng sẽ tham dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD-ĐT.
Như vậy, 2 phương án chỉ khác nhau ở một điểm duy nhất, hoặc các trường cấp giấy chứng nhận, hoặc các trường tổ chức thi cho thí sinh theo đề của trung tâm khảo thí.
Cả 2 phương án đều duy trì kỳ thi THPT. Đây là kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh đại học, cao đẳng do các trường tự chủ.
Tuy nhiên, kỳ thi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn do Sở GD-ĐT tổ chức thi tại các trung tâm khảo thí, tổ chức 2 lần/năm, bảo đảm nhẹ nhàng, không áp lực, không còn là kỳ thi quốc gia nặng nề tốn kém như hiện nay.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giai đoạn ứng dụng mô hình mới thành các giai đoạn thực hiện ở giai đoạn 2024 – 2025 thi trên giấy tại các Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp đặt tại các tỉnh thành. Sẽ thí điểm thi trên máy tính với những địa phương/khu vực có điều kiện/tự nguyện thí điểm.
Từ giai đoạn 2026 trở đi, thi đại trà trên phạm vi cả nước theo mô hình mới trên máy tính. Với những đối tượng đặc thù như học sinh khuyết tật vẫn tổ chức thi trên giấy riêng cho các đối tượng này.
Được biết, trong năm 2019, Bộ sẽ công bố lộ trình thi THPT từ năm 2021 đến 2024 để lấy ý kiến.