Kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Nhân dân - cội nguồn sức mạnh

Vân Phạm| 10/10/2015 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua ngàn năm dựng nước, cha ông ta đã luôn coi trọng nhân dân, luôn đề cao tư tưởng lấy dân làm gốc trong mọi vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh để “non sông nghìn thủa vững âu vàng”.

Những trang sử vẻ vang, những chiến công lẫy lừng ấy đều mang dấu ấn quan trọng của quần chúng nhân dân, được vun đắp nên bằng sức mạnh và tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của hàng triệu con dân đất Việt.  Cùng với cả nước, người dân Thủ đô tự hào với những cống hiến không nhỏ vào những chiến công lừng lẫy của dân tộc... 

Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã trở thành ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam vượt qua đêm trường tăm tối dưới gót giày tàn ác của thực dân Pháp. Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân”, Đảng ta là khởi nguồn của một tư duy hoàn toàn mới trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta. Để rồi từ đây, quần chúng nhân dân đã thực sự đứng lên nắm lấy vận mệnh của dân tộc đặt trên vai mình, trở thành cội nguồn của sức mạng dân tộc, là chủ thể của sự nghiệp đấu tranh giữ nước và dựng nước trong thời đại mới.

Khó có lời nào tả hết được khí thế ngút trời của những người dân yêu nước trong những năm đầu tiền khởi nghĩa. Ngọn cờ giải phóng dân tộc được giai cấp công nhân, nông dân -  mà đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao, đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, phát động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giàm giờ làm, chống bóc lột, đánh đạp dã man đã nổ ra tại các công xưởng, bến tàu, đồn điền cao su, khu mỏ… Các cuộc đấu tranh đòi giảm sưu thuế của nông dân cũng vô cùng quyết liệt  đã tạo nên một phong trào đấu tranh toàn diện có quy mô lớn trên 25 tỉnh thành khắp cả ba miền đất nước và đạt tới đỉnh điểm trên đất Nghệ Tĩnh.

 Cao trào cách mạng cùng sự ra đời của chính quyền Xô Viết là kết tinh sức mạnh to lớn của khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Cũng qua phong trào này, những người cộng sản và nhân dân lao động toàn thế giới đã biết đến đất nước Việt Nam và ý chí đấu tranh quật cường của dân tộc ta.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, đến phong trào dân chủ 1936 - 1939, lực lượng tham gia đông đảo nhất cũng là nông dân, công nhân và một số sĩ phu yêu nước. Tiếp đó là khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Ba Tơ... căn bản cũng là khởi nghĩa của giai cấp công nông. Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhận định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu hoạt động đã nhìn thấy nguồn sức mạnh vô tận của quần chúng nên đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước hợp thành một lực lượng vĩ đại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Lập trường và quan điểm đó đã đứng vững và xuyên suốt trong mọi cương lĩnh của Đảng, qua từng giai đoạn cách mạng, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vinh quang vào tháng 8/1945.

Giải phóng Thủ đô - Bước ngoặt lịch sử

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta trở thành một Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Nhận định quan trọng đó làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Nhân dân - cội nguồn sức mạnh

Nhân dân chào đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã sáng tạo ra những bài học lịch sử góp phần xây dựng kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến lâu dài chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ rằng trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một Đảng, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì hoàn toàn có khả năng thắng lợi.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, đồng thời rút hết quân về nước. Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, cờ hoa hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử. Kể từ đây, Thủ đô Hà Nội thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”

Hơn 60 năm sau, Hà Nội đã tiến một bước dài với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng dần được khẳng định. “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” - đó là bài học lớn, là tài sản vô giá của quân và dân ta được đúc rút qua những chiến đấu và trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh. Lịch sử thế giới ghi nhận rằng, hiếm có quốc gia nào, quân đội mang đậm bản chất nhân dân như quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta được hình thành từ nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân là đánh đuổi thực dân xâm lược và giải phóng dân tộc.

Kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Nhân dân - cội nguồn sức mạnh

Hân hoan ngày giải phóng

Và cũng chính bà mẹ Tổ quốc, bà mẹ nhân dân đã chở che, nuôi dưỡng cho quân đội ta trở nên hùng mạnh, bách chiến, bách thắng. Kế thừa và phát huy tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân”, trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong hòa bình, lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng đã biết phát huy sức mạnh của toàn dân trong bảo vệ tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội với hàng ngàn phong trào, mô hình lan tỏa rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Đồng thời khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần “quân với dân một ý chí” để bảo vệ toàn vẹn đất nước và độc lập dân tộc trước mọi âm mưu chống phá của kẻ thù.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân luôn thống nhất với quan điểm của Đảng. Đề cập về lực lượng xây dựng nền quốc phòng, Đảng ta khẳng định rõ: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh cùng định hướng của Đảng, quân đội ta đã vận dụng thực hiện sáng tạo trong thực tiễn, thể hiện ở một số nội dung hoạt động như: Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; Xây dựng nền quốc phòng toàn dân độc lập, tự chủ, vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ  vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; Tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt cơ chế xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Những thắng lợi vẻ vang của nhiều thế hệ người dân đã đưa Việt Nam tiến vào kỉ nguyên đầy hoài bão của một dân tộc anh hùng và yêu chuộng hòa bình. Đảng ta vĩ đại bởi có nhân dân vĩ đại - từ thực tiễn cách mạng, Đảng đã nhận thức sâu sắc rằng: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”.

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mấy mươi năm vẫn vẹn nguyên giá trị. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân là cội nguồn của sức mạnh dân tộc, chân lý đó đã và sẽ không bao giờ thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Nhân dân - cội nguồn sức mạnh