Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn ghi tạc núi rừng

Hà Thúy| 19/05/2018 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/3/1961, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm. Trong chuyến thăm ấy, mỗi nơi Bác đến đều đã để lại những dấu ấn, những cảm xúc không thể nào quên.

Đồng bào trong tim Bác

57 năm về trước, giữa lúc đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đang cùng với đồng bào miền Bắc đẩy mạnh hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết đất nước thì bất ngờ và vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm. Nói chuyện với hàng nghìn đồng bào các dân tộc vào sáng 27/3/1961, Bác gửi lời thăm hỏi của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội tới cán bộ, đồng bào Hà Giang; đồng thời biểu dương những công trạng, những đóng góp của đồng bào với cuộc kháng chiến chống Pháp và kiến thiết đất nước.

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn ghi tạc núi rừng

Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các dân tộc Hà Giang (15/11/1965)

Bác căn dặn: “Cán bộ từ tỉnh đến huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”; “nhân dân đã làm chủ thì phải làm gì để xứng đáng với người làm chủ tốt”. Đồng bào muốn trở thành người chủ tốt, Bác dạy cần phải thực hiện tốt 8 điều như: Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà; đồng bào phải ra sức thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no; cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng, trồng cây làm thuốc; cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết mới làm ăn tiến bộ…”.

Với Hà Giang, địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa khác nhau, phong tục tập quán cũng có sự khác biệt thì lời dạy của Bác về đoàn kết dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu không đoàn kết chặt chẽ, sẽ dẫn đến phân chia, làm giảm đi sức mạnh và là chỗ hở để kẻ thù lợi dụng phá hoại. Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có đường biên giới đất liền, từ bao đời nay đã là phên dậu của quốc gia, chỉ có đoàn kết một lòng thì Hà Giang mới xây dựng, và phát triển đời sống đồng thời với bảo vệ biên cương, lãnh thổ.

Cũng trong buổi nói chuyện, Bác còn động viên đồng bào các dân tộc trong tỉnh phải “ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Trong thi đua tăng gia sản xuất, Người đã chỉ rõ ba điểm chính là: “Phải cố gắng làm nhiều thuỷ lợi, để có đủ nước cho lúa và hoa màu; Phải có nhiều phân bón; phân bón nhiều thì lúa và hoa màu mới tốt; Phải cải tiến nông cụ. Vì với những nông cụ cũ kỹ thì khó nhọc nhiều mà thu hoạch ít”. Là tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế như Hà Giang thì những lời căn dặn của Bác thực sự là định hướng đúng đắn, khoa học và hết sức phù hợp.

Đồng thời, Bác cũng không quên căn dặn Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh phải phát huy lợi thế, tiềm năng về rừng, khai thác nguồn tài nguyên rừng đi đôi với việc trồng mới, bảo vệ và chăm sóc rừng, làm tốt công tác bảo vệ vệ sinh, môi trường, đảm bảo và giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng bào bởi có sức khỏe tốt thì mới lao động tốt; quan tâm đến giáo dục đào tạo con em đồng bào. Cuối buổi nói chuyện, Bác nhấn mạnh: “Đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa”.

Vẹn nguyên ký ức về lần gặp Bác

Vậy là hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trong trái tim đồng bào 22 dân tộc Hà Giang, hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ vẫn in đậm trong trái tim của mỗi người dân. Những lời căn dặn của Bác với Hà Giang, tuy ngắn gọn, xúc tích, nhưng bao hàm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và toát lên tinh thần nhân ái, lo cho dân, chăm lo đến đời sống đồng bào. Bà Sùng Thị Hạy, 91 tuổi, ở Tùng Vài, Quản Bạ, Hà Giang, kể: Trước ngày đón Bác Hồ, khắp nơi rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ. Hàng vạn đồng bào các dân tộc, bộ đội, cán bộ, công nhân, các cháu thiếu niên nhi đồng đại diện cho hơn 30 dân tộc trong khu vực nô nức kéo về sân vận động thị xã Hà Giang để chào đón Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Chính Phủ. Khi Bác Hồ và Đoàn đại biểu bước vào lễ đài, cả sân vận động hô vang không ngớt: “Hồ Chủ tịch muôn năm”.

“Hôm ấy, tôi nhìn thấy đoàn xe đón Bác từ đầu thị xã đi về phía tỉnh, Bác ngồi trong xe, vẫy tay ra chào mọi người. Chúng tôi đứng chật kín cả hai bên đường để nhìn Bác. Rồi đến đêm không ai muốn ngủ, chỉ mong trời sáng để đến sân vận động thật sớm, cố gắng tìm vị trí đứng gần Bác nhất để được nhìn thấy Bác thật rõ, được nghe giọng  nói của Bác. Bác xuất hiện trên kỳ đài với bộ quần áo ka ki cũ, giản dị và gần gũi. Được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, gương mặt hiền từ phúc hậu, nhiều người trong chúng tôi đã không cầm được nước mắt...”, bà Hạy nhớ lại.

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn ghi tạc núi rừng

Bà Sùng Thị Hạy: “Nhìn thấy Bác, rất nhiều người đã khóc”

Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Bác, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, được sự giúp đỡ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trực tiếp là Đảng bộ Hà Giang, 22 dân tộc anh em trong tỉnh luôn đoàn kết bên nhau, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thách thức, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng... đã từng bước đưa Hà Giang vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Ngay trong Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng bộ của tỉnh Hà Giang cũng đều đã cụ thể hóa nội dung lời dạy của Bác vào các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện các vấn đề về kinh tế-xã hội, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc; tìm ra nhiều cách làm hay, làm đúng, làm trúng nội dung, yêu cầu của lời Bác dạy năm xưa. Tỉnh đã xác định phát triển nông lâm nghiệp là chủ đạo, trọng tâm của phát triển kinh tế. Các công trình thủy lợi được xây dựng để tưới tiêu, khắc phục điều kiện khô hạn quanh năm. Cùng với đó, đàn đại gia súc và gia cầm ngày càng phát triển, giải quyết được sức kéo trong sản xuất nông lâm nghiệp và tạo nguồn phân bón đảm bảo nhu cầu gieo trồng. Và cũng chính nhờ đó, sự phát triển của tỉnh, nhất là trong việc định hướng xây dựng nông thôn mới ngày một rõ nét hơn, cuộc sống của đồng bào ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Khắc ghi lời Bác dạy

Từ nội lực và tiềm năng sẵn có, những năm qua, Hà Giang đã trình nhiều đề án khả thi đề nghị Chính phủ xét duyệt, đồng thời nỗ lực kêu gọi, huy động các bộ ngành, các thành phần kinh tế giúp đỡ, tham gia củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông vốn có như đường hàng không, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu thông thương với nước bạn, tiếp tục mở rộng, nâng cấp thêm các đường tuyến huyện, xã. Nhờ đó mà ngày nay, những con đường nối đồng bằng châu thổ sông Hồng lên tới Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, dốc Mã Pí Lèng - những danh thắng nổi tiếng của Hà Giang, đã trở thành những con đường du lịch về văn hóa, lịch sử, thu hút du khách thập phương.

Cũng phải nói rằng, suốt bao năm qua, liên tiếp các dự án cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người của Nhà nước đã phát huy tác dụng lớn, đem đến nhiều thay đổi diệu kỳ cho nhiều miền rừng, miền hoang vu khuất nẻo ở Hà Giang. Các chương trình, dự án, các chính sách của Đảng và Nhà nước như 134, 135, 167, Nghị quyết 30A… đã thực sự chăm lo cho đồng bào các dân tộc không chỉ ở vùng đất khó Hà Giang này mà còn ở nhiều địa phương khác nữa đã tạo nên diện mạo tươi sáng cho các tỉnh vùng cao. Từ điện, đường, trường, trạm, cung cấp đất ở, đất sản xuất, cây con giống, nước sinh hoạt rồi dạy nghề, ổn định cuộc sống, dần xóa đói giảm nghèo.

Nhờ vậy, từ chỗ bịt bùng trong núi cao, từ cõi khó khăn nhất của vùng biên giới phía Bắc, với những con đường bé bằng bụng ngựa, thậm chí nhiều nơi chỉ có lối mòn chuột chạy dẫn lên các chòm nhà cửa, giờ đường xá ở Hà Giang trơn láng, cong veo như dải lụa vắt qua các đỉnh núi chon von từ huyện vào xã. Hình ảnh từng đoàn ngựa thồ nước sinh hoạt thấp thểnh theo ánh đèn pin, đèn bão để đi qua các triền đá kéo đến tận chân trời giờ cũng đã dần biến mất, thay vào đó hệ thống tưới, tiêu cung cấp nước sinh hoạt cũng như nước để sản xuất, canh tác đã được đầu tư xây dựng. Cao nguyên khô khát nhất Việt Nam giờ đang dần bớt khát.

Giờ đây, khi đến với Hà Giang, điều dễ gây cho người ta ấn tượng nhất có lẽ là những con đường chạy giữa mênh mông đá. Đường mở đến đâu, các công trình, nhà cửa, làng mạc cũng men theo mà mọc lên đến đó. Cả Hà Giang hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới những thành tựu lớn lao hơn trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Đó chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất của đồng bào để thực hiện lời dạy của Bác: Đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn ghi tạc núi rừng