Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014): Loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội

Trần Đức| 16/05/2014 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị lần thứ nhất sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sắp được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở 70 điểm cầu.

Hội nghị nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế, kinh nghiệm rút ra qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 ở các ngành, địa phương, tập trung vào đánh giá những kết quả cụ thể của việc làm theo đạo đức của Bác Hồ.

Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014): Loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều mô hình hay, cách làm mới

Nhân dịp này, sẽ diễn ra triển lãm "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên…

Theo đánh giá của các thành viên Bộ phận chuẩn bị Hội nghị, qua kiểm tra, khảo sát tại các đơn vị, địa phương cho thấy, trong năm 2013 đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã thể hiện rõ nét. Nhiều địa phương đã chọn được những vấn đề nổi cộm, bức xúc để tập trung giải quyết. Việc thực hiện các chuyên đề hằng năm, nhất là năm 2013, được thực hiện kịp thời, nghiêm túc và có một số điểm mới. Việc bổ sung và xây dựng chuẩn mực đạo đức ngày càng thiết thực theo hướng bám sát điều kiện thực tế, đặc điểm, nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương được các cấp ủy chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Các cấp ủy đã đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua khác ở địa phương, đơn vị, trở thành động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Một số nơi đã có những cách làm mới phù hợp với điều kiện của mình như: tổ chức các hội nghị, gặp gỡ, tọa đàm về tư tưởng đạo đức và tấm gương của Bác, tổ chức các hoạt động về nguồn, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu...

Hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng ủy các khối… đang tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị 03.

Nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên

Mặc dù có từng đợt phát động và có sơ kết, tổng kết nhưng đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên.

Trước hết là thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân” cần quán triệt những nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn mới; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Tư tưởng và phẩm chất đạo đức tiêu biểu của Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người cần nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những hy sinh to lớn của ông cha để chúng ta có non sông, Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất trọn vẹn hôm nay. Nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chân chính.

Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014): Loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội

Trong dịp sang thăm Cộng hoà dân chủ Đức (tháng 7/1957), Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Cộng hoà dân chủ Đức đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt Nam lưu học tại Đức (Ảnh: Tư liệu)

Trung với nước, hiếu với dân ngày nay là luôn luôn tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới cả ba hình thức: làm chủ đại diện, làm chủ trực tiếp và tự quản cộng đồng; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp tình, hợp lý của dân; khắc phục cho được thói vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc... của nhân dân.

Trung với nước, hiếu với dân ngày nay thể hiện ở ý chí vươn lên quyết tâm vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, góp phần dựng xây đất nước phồn vinh, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, theo kịp trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Trung với nước, hiếu với dân là phải luôn luôn có ý thức giữ gìn đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính.

Trung với nước, hiếu với dân là phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng; quyết tâm phấn đấu để thành đạt và cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho dân tộc; quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Trung với nước, hiếu với dân yêu cầu mỗi chúng ta phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ cá nhân - gia đình - tập thể - xã hội; quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước là sẵn sàng phấn đấu hy sinh cho lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tập thể thì quyết chí làm, việc gì có hại thì quyết không làm. Làm việc gì trước hết phải vì tập thể, vì đất nước, vì nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, không tham lam, vụ lợi, vun vén cá nhân...

Xây dựng một lối sống trong sạch, đề cao phẩm giá

"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ "đối với mình", được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trở thành chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Người là một tấm gương mẫu mực về "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

Học tập và làm theo tấm gương của Người, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong giai đoạn hiện nay là tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức; biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước, của tập thể, của chính mình một cách có hiệu quả.

Thực hiện chí công, vô tư là kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải loại bỏ thói chạy theo danh vọng, địa vị, giành giật lợi ích cho mình, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt của công, thu vén cho gia đình, cá nhân..., cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ. Không làm dối, làm ẩu, bòn rút của công, ăn bớt vật tư, tiền của của Nhà nước và của nhân dân. Phải có thái độ rõ rệt lên án và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội.

Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014): Loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội

Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ ngày 19/8/1962

Nâng cao ý thức dân chủ và kỷ luật, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Người luôn luôn phê phán "óc lãnh tụ", phê phán thói "quan cách mạng", phê phán những biểu hiện quan liêu, coi thường quần chúng, coi thường tập thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là những căn bệnh khác nhau của chủ nghĩa cá nhân.

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh tất cả vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo đói. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh phải rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người dạy cán bộ, đảng viên và mọi người chúng ta: không sợ khuyết điểm, không sợ phê bình, mà chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm và không có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sẽ dẫn đến khuyết điểm ngày càng to và hư hỏng. Tự phê bình phải được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, theo tư tưởng Hồ Chí Minh "phải nghiêm khắc với chính mình".

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, việc mở rộng tình đoàn kết quốc tế, hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Đoàn kết quốc tế trong sáng là thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới, phấn đấu vì độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014): Loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội