Kỹ năng lao động

Bảo Dân| 23/11/2019 09:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lao động Việt Nam không chỉ cần cù mà còn sáng tạo và luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi tay nghề khu vực và quốc tế. Thế nhưng vì sao năng suất lao động của chung ta quá thấp?

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năng suất lao động của toàn nền kinh tế nước ta theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động), tăng 5,93% so với năm 2017. Tăng trưởng năng suất lao động đã phục hồi và tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt bình quân 4,77%/năm trong giai đoạn 2011-2018 so với mức 3,17%/năm trong giai đoạn 2007-2010. Tuy nhiên, Bộ này đánh giá năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước ASEAN.

Tính theo giá so sánh năm 2010, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines. Dù dùng thước đo nào đi chăng nữa thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp xa so với các nước trong khu vực.

Trong  bối cảnh ấy, mới đây, Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” đã  được tổ chức tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kỹ năng nghề là vấn đề lớn của toàn cầu, đặc biệt với nước đang phát triển, có năng suất lao động thấp như Việt Nam. Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình tốt về đào tạo trong doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có trường nghề tốt.

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức, khuyết điểm của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Cụ thể: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn thấp; Cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch vẫn  bất hợp lý và vẫn lâm cảnh thiếu thầy thiếu cả thợ; Doanh nghiệp có nhu cầu lao động nhưng chưa có nguồn nhân lực tốt để đáp ứng… Thủ tướng ví von, mạng lưới giáo dục nghề của ta như chiếc áo ngũ sắc không ít miếng vá víu của vải cũ. Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến tính đồng bộ của các trường dạy nghề.

Từ thực tế này, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục rút bài học kinh nghiệm trong đào tạo nghề để tạo niềm tin trong xã hội và từng gia đình, từng nhà trường phải tạo nên tương lai cho giáo dục nghề nghiệp. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cần vươn lên sánh ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chỉ có thế,  nước ta mới đưa được nền kinh tế thẳng tiến vào chuỗi giá trị cao hơn.

Theo Thủ tướng, có 3 nguyên tắc phải thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên, cần phải bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề…Thứ hai là phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và thứ ba, đặc biệt nâng cao tính dự báo, cần nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu nhân lực, kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp  – nhà trường.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ, trong các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm. Đặc biệt, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách ưu đãi với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp thực hiện đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng lao động