Dự kiến khai mạc ngày 22/10 diễn ra đến hết ngày 20/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ có tổng thời gian làm việc là 22,5 ngày.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp
Tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều nay (11/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Dự kiến thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình chi tiết được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 22,5 ngày. Theo đó, xây dựng luật: 12 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 9 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10/2018 và dự kiến bế mạc vào 20/11/2018, trong đó, bố trí Quốc hội làm việc một ngày thứ Bảy của tuần đầu tiên.
Phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường về: Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ (trong đó kết hợp thảo luận các báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và các công trình trọng điểm quốc gia); công tác tư pháp; chất vấn và trả lời chất vấn.
Tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã tiếp tục phát huy tính tích cực, khẩn trương, chủ động, nâng cao trách nhiệm, cố gắng đổi mới, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung dự kiến trình Quốc hội, bảo đảm kịp phục vụ kỳ họp.
Trong số 15 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, phần lớn các dự án đã được các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện và trình UBTVQH tại phiên họp tháng 7 và tháng 8/2018, còn 9 dự án luật cùng với nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm được trình tại phiên họp này. Trong đó, có một số dự án luật có điều kiện trình UBTVQH cho ý kiến lần 2, lần 3.
Đến nay, đã có 7/9 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung khác đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 10.
Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TT&TT
Cơ bản bày tỏ đồng tình với những nội dung của Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội trình, các thành viên UBTVQH đã đóng góp các ý kiến liên quan đến chương trình chi tiết của kỳ họp; đổi mới cách thức, thời gian tiến thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường; cải tiến cách thức thảo luận, tranh luận của đại biểu; những vấn đề đặt ra trong chất vấn và trả lời chất vấn; những nội dung thực hiện phát thanh, truyền hình trực tiếp; công tác an ninh, hậu cần bảo đảm cho kỳ họp;...
Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) sẽ được tiến hành vào chiều 22/10 và phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng mới vào ngày hôm sau.
“Sau khi Quốc hội biểu quyết phê chuẩn bổ nhiệm thì nên sắp xếp thời gian để Bộ trưởng mới ra mắt, phát biểu nhận nhiệm vụ trước Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Về đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút xuống 5 phút, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đề nghị tiếp tục giữ mức thời gian phát biểu như đang thực hiện là 7 phút. “Đại biểu phát biểu cũng phải có đầu có đuôi, thời gian phát biểu như đang thực hiện là phù hợp, nếu cải tiến rút xuống còn 5 phút thì quá ngắn, tôi e rằng đại biểu sẽ không đủ thời gian để phát biểu, trình bày, nên cần cân nhắc về vấn đề thời gian này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho các ý kiến chỉ đạo cụ thể vào các nội dung của Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, trong đó đề nghị tiếp tục duy trì thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội là 7 phút; thời gian trình bày các báo cáo thẩm tra không quá 15 phút.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo, trình UBTVQH xem xét, quyết định.