Kỳ họp thứ 15 Hội đồng Lý luận Trung ương

Hương Thủy| 25/05/2015 17:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện Chương trình toàn khóa, sáng 25/5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành Kỳ họp thứ 15.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Kỳ họp. 

Tại kỳ họp này, Hội đồng tập trung thảo luận, góp ý vào hai dự thảo Đề án: "Đổi mới mô hình Hội đồng Lý Luận Trung ương"; "Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020". 

Kỳ họp thứ 15 Hội đồng Lý luận Trung ương

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Kỳ họp, gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội đồng Lý luận Trung ương ra đời, tồn tại và phát triển đến nay đã gần 20 năm, qua 4 nhiệm kỳ hoạt động. Qua gần 20 năm hoạt động, vấn đề đặt ra là phải đổi mới hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận, đánh giá hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương qua các nhiệm kỳ, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, yếu kém trên các vấn đề: Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, điều kiện hoạt động và xác định những vấn đề đặt ra, từ đó xác định phương hướng và đề xuất phương án đổi mới hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương; làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn phương án khả thi nhất. 

Về Đề án nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Việc xác định mục tiêu, yêu cầu của khung chương trình, những định hướng lớn của Chương trình, nhất là xác định đúng, trúng các đề tài nghiên cứu trong Chương trình có ý nghĩa quan trọng. Các thành viên Hội đồng cần thảo luận, góp ý vào các vấn đề trọng tâm: Mục tiêu, yêu cầu của đề án; định hướng nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020; dự kiến hệ thống các đề tài nghiên cứu giai đoạn 2016-2020. 

Nhấn mạnh hai đề án được thảo luận tại Kỳ họp là những vấn đề lớn, hệ trọng, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo Đề án. 

Thảo luận tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng cho rằng: Gần 20 năm qua, trải qua 4 nhiệm kỳ hoạt động, mô hình hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương từng bước được hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm hoạt động. Hội đồng đã cố gắng bám sát thực tiễn, triển khai nhiều hoạt động khoa học, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tư vấn các vấn đề lý luận chính trị, liên quan trực tiếp đến sự hình thành đường lối và các quyết sách của Đảng, Nhà nước ở tầm cương lĩnh, chiến lược. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng còn hạn chế, chưa bao quát nội dung hoạt động của Hội đồng. 

Các thành viên Hội đồng nhấn mạnh cần đổi mới mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đó là cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị, có tính chất ổn định, có chức năng tư vấn, tham mưu về các vấn đề lý luận chính trị, đề xuất định hướng chính sách lớn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đổi mới mô hình Hội đồng Lý luận Trung ương nhằm gắn lý luận với định hướng chính sách lớn và tổ chức thực tiễn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Hội đồng Lý luận Trung ương là đầu mối tiếp nhận, chắt lọc thông tin của các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu để phục vụ công tác tổng kết, nghiên cứu lý luận, tư vấn, tham mưu; là đầu mối quy tụ lực lượng nghiên cứu về lý luận chính trị và định hướng, thẩm định chính sách lớn của cả nước. 

Theo Đề án "Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020", việc hoàn thành khung Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị 2016-2020 nhằm góp phần cụ thể hóa, triển khai thực hiện các văn kiện Đại hội XII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng trong giai đoạn mới, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong một vài thập kỷ tới (tầm nhìn 2030 và 2050). Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị 2016-2020 cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ các văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và trình Đại hội XIII của Đảng(Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Báo cáo chính trị). 

Thường trực Hội đồng Lý Luận Trung ương sẽ chỉ đạo Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo hai đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 15 Hội đồng Lý luận Trung ương