Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tiến hành Kỳ họp tháng 6/2019. Rất nhiều vấn đề chuyên môn nghiệp vụ được giải quyết trong kỳ họp này.
Sai lầm từ việc xác định không đúng về hiệu lực của quyết định thu hồi đất
Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Cự Q (định cư ở Mỹ, có quốc tịch Mỹ và Việt Nam) với người bị kiện là Ủy ban nhân dân tỉnh L có đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại phiên họp ngày 24/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC, hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 36/2015/HC-PT ngày 14/4/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2014/HC-ST ngày 22/9/2019 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Bản án hành chính sơ thẩm đã không chấp nhận khởi kiện của ông Nguyễn Cự Q yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông đối với diện tích 3.512 m2 đất tại 7B đường P, thành phố Đ.
Diện tích 10.097m2 tại 7B đường P thuộc quyền sử dụng của cha mẹ ông Q là cụ Nguyễn T (chết năm 1995) và vợ là cụ Trần T (chết năm 2003).Ngày 28/7/1987, UBND tỉnh L có Quyết định số 472/QĐ-UBND thu hồi 3.512m2 đất tại 7 B đường P giao cho Công ty X. Cụ Nguyễn T có khiếu nại về việc thu hồi đất. UBND tỉnh L đã có Thông báo số 124/TB-UB ngày 10/9/1987 không chấp nhận khiếu nại của cụ Nguyễn T. Ngày 7/7/1997, UBND tỉnh L có quyết định 1001/QĐ-UBND có nội dung thu hồi Quyết định số 472/QĐ-UBND, giao đất cho UBND thành phố Đ quản lý.
Năm 1997, bà Th (vợ ông Q) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với diện tích 4.575m2 và năm 2008, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thêm diện tích 726m2 tại 7B đường P. Từ năm 2000, bà Th và ông Q có nhiều đơn yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích còn lại (3.512m2) nhưng không được chấp nhận. Ngày 11/7/2011, ông Q khởi kiện UBND tỉnh L về hành vi không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Bản án hành chính phúc thẩm đã chấp nhận khởi kiện của ông Q về việc yêu cầu UBND tỉnh L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có nhận định: “Thực tế gia đình ông Q, bà Th khai phá, quản lý, sử dụng diện tích đất trên liên tục từ trước giải phóng đến nay. Việc UBND tỉnh L có quyết định thu hồi đất trên nhưng thực tế chưa thu hồi, quản lý, sử dụng và chưa rõ ràng trong việc đền bù. Do vậy, gia đình ông Q, bà Th có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kể trên”.
Nhận định của Kháng nghị giám đốc thẩm và nhận định của Hội đồng Thẩm phán đã bác bỏ nhận định của Bản án phúc thẩm và có ý nghĩa rút kinh nghiệm cụ thể về một số vấn đề sau:
Diện tích đất 3.512m2đất đã có Quyết định thu hồi đất số 472/QĐ-UBND. Quyết định 1001/QĐ-UBND có nội dung thu hồi Quyết định 472/QĐ-UBND nhưng không phải là trả lại đất cho gia đình cụ Nguyễn T mà chỉ chuyển giao quyền quản lý từ Công ty X sang UBND thành phố Đ. Quyết định này đang có hiệu lực nên gia đình ông Q không thuộc trường hợp sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp. Như vậy, quyền sử dụng đất đã bị thu hồi từ khi có Quyết định 472/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày ký là ngày 28/7/1987), không đòi hỏi phải chuyển giao cho người khác trực tiếp sử dụng như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm.
Do đã có quyết định có hiệu lực xác định quyền quản lý đất là của người khác nên gia đình ông Q dù vẫn tiếp tục sử dụng đất là sử dụng không hợp pháp chứ không phải trường hợp sử dụng ổn định, không có tranh chấp để được cấp giấy chứng nhận theo quy định ở Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Đặt vấn đề “chưa rõ ràng trong việc đền bù” để xem xét lại các quyết định thu hồi đất cũng là không đúng vì phạm vi của vụ án này chỉ là xem xét hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn việc thu hồi đất không thuộc phạm vi của vụ án này. Như vậy, cấp phúc thẩm không chỉ sai lầm về đánh giá hiệu lực của quyết định thu hồi đất mà còn có sai lầm về xác định phạm vi xét xử, quyền hạn của hội đồng xét xử trong vụ án cụ thể.
Vận chuyển ma túy bán cho người khác để hưởng tiền công có phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”?
Ngày 29/12/2016, Công an quận H phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an kiểm tra xe ô tô do Phạm Văn H điều khiển. Kết quả kiểm tra đã thu giữ trong xe do H điều khiển chứa 4 túi nylon màu trắng (giám định kết luận là Methamphetamine, tổng trọng lượng là 3.611,46gam) và một số vật chứng khác.
Tại Cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm H khai: Một người Trung Quốc gọi điện thoại thuê H mang 5 túi ma túy đá từ Lạng Sơn về Bắc Giang và Hà Nội để bán cho khách theo số điện thoại của người mua và trả công cho H 10.000.000 đồng/túi. H đã giao được 1 túi ma túy tại tỉnh Bắc Giang, khi đang trên đường đi Hà Nội giao 4 túi ma túy thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra không có căn cứ để xác minh làm rõ người Trung quốc và người mua ma túy.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm e khoản 4 Điều 194 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo H tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Bị cáo H không biết người giao, người nhận; không biết việc thỏa thuận mua bán chất ma túy được thỏa thuận và diễn ra thế nào…” nên đã chuyển tội danh cho H từ tội “Mua bán trái phép chất ma túy” sang tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, xử phạt H hình phạt tù chung thân (Bản án số 05/2018/HSPT ngày 12/1/2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội).
Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về tội danh và hình phạt. Tại phiên họp ngày 3/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, hủy Bản án hình sự phúc thẩm, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm.
Từ xác định Tòa án cấp phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng, có vấn đề về xác định tội danh cần lưu ý như sau:
Điểm 3 mục II Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2015 đã quy định như sau:
“3.2...Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.
Phạm Văn H thừa nhận nhận ma túy từ người bán, giao ma túy cho người mua là trường hợp “biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy”. Như vậy, theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 08/2015 nêu trên thì rõ ràng là phải xác định H phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi BLHS năm 2015 đã được công bố (9/12/2015) thì còn có thể áp dụng Thông tư liên tịch 8/2015 hay không?
Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đều áp dụng BLHS năm 1999 là đúng. Đã áp dụng BLHS năm 1999 thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999 cũng là bắt buộc.Khi BLHS năm 1999 hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn thi hành cũng hết hiệu lực. Tuy nhiên, nếu không có quy định mới có lợi hơn cho người phạm tội, không có hướng dẫn mới thay thế thì những hướng dẫn cũ vẫn có giá trị để nhận thức và áp dụng pháp luật. Vì vậy, tham khảo Thông tư liên tịch 08/2015 để xác định các hành vi Mua bán trái phép chất ma túy vẫn là cần thiết. Do đó, hành vi tương tự như Phạm Văn H xảy ra ở thời điểm thi hành BLHS năm 2015 (từ 1/1/2018) thì vẫn phải xác định là phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Mua bán trái phép hóa đơn hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Trong các năm từ 2002 đến 2004, Nguyễn Việt Th, Nguyễn Thanh C, Đặng Hoàng H đã cùng nhau lập doanh nghiệp tư nhân (Doanh nghiệp Hoàng H), với ngành nghề mua bán tôm nguyên liệu nhưng không hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm chiếm đoạt tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng của nhà nước. Th, C, H đã mua hóa đơn từ Cục thuế tỉnh, làm khống hóa đơn của Doanh nghiệp Hoàng H và một số doanh nghiệp khác, chiếm đoạt được số tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 3.078.313.177 đồng.
Đặng Hoàng H và các đồng phạm khác đã bị xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm 11/2012/HSST và Bản án hình sự phúc thẩm 247/2012/HSPT. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2016/HSST ngày 31/10/2016, TAND tỉnh Cà Mau đã xử phạt Nguyễn Việt Th 10 năm tù và Nguyễn Thanh C 7 năm tù đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo kháng cáo. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 654/2017/HSPT ngày 13/12/2017, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt Nguyễn Việt Th 3 năm 2 tháng 26 ngày tù, xử phạt Nguyễn Thanh C 4 năm 2 tháng 18 ngày tù đều về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” (bằng thời gian các bị cáo bị tạm giam).
Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 654/2017/HSPT. Tại phiên họp ngày 3/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 654/2017/HSPT ngày 13/12/2017 về phần tội danh và áp dụng hình phạt, giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2016/HSST ngày 31/10/2016 của TAND tỉnh Cà Mau.
Từ nhận định của Kháng nghị và của Hội đồng giám đốc thẩm, có vấn đề về xác định tội danh cần lưu ý là:
Các bị cáo đã có hành vi gian dối để cơ quan thuế tin rằng có hoạt động kinh doanh hợp pháp thực tế, từ đó cho các bị cáo được nhận tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Các bị cáo đã chiếm đoạt được tiền của Nhà nước, đã có đầy đủ dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999.
Hành vi mua bán hóa đơn của các bị cáo chỉ là một trong những hành vi gian dối mà các bị cáo đã thực hiện. Hành vi này chưa bị quy định là một tội độc lập trong BLHS năm 1999. Tại BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 mới có quy định tại Điều 164a về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Đây là tội rất nhẹ so với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên mức hình phạt tối đa chỉ là 5 năm tù. Hành vi phạm tội chỉ là in, phát hành, mua bán nên một dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản phải là “số lượng lớn” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Với quy định như trên cho thấy người có hành vi phạm tội theo Điều 164a không tham gia vào việc sử dụng các hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi phạm tội khác.
Các bị cáo trong vụ án này không chỉ mua bán trái phép hóa đơn mà đã thực hiện các hành vi khác, có đầy đủ dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị xử phạt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng tương tự như dùng súng giết người thì phải bị xử phạt về tội giết người (hoặc thêm tội sử dụng vũ khí trái phép) chứ không thể chỉ xử phạt về tội Sử dụng vũ khí trái phép.