Nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án khu đô thị, nhiều biệt thự, chung cư chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang; các dự án chậm tiến độ có bị thu hồi hay không...
Nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án khu đô thị, nhiều biệt thự, chung cư chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang; các dự án chậm tiến độ có bị thu hồi hay không; quản lý và xây dựng công viên gây bức xúc; quản lý nhà cho thuê và chung cư còn bất cập... là những vấn đề ”nóng” được đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND Tp. Hà Nội sáng qua, 12-7.
40 tổ chức có dự án bị thu hồi
Theo báo cáo trả lời chất vấn của UBND Tp. Hà Nội, từ năm 2009 đến 6-2012, cơ quan này đã quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Qua kiểm tra đối với 605 tổ chức sử dụng đất trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 327 tổ chức tự khắc phục vi phạm, tồn tại trong việc sử dụng đất; 133 dự án được kiểm tra, tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với 81 tổ chức (số tiền xử phạt 1.582.500.000 đồng); kiểm tra, xử lý thu nghĩa vụ tài chính đối với 77 dự án còn nợ đọng. Trong 3 năm 2009-2011, thành phố đã quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức với tổng diện tích 215.847m2. Trong 6 tháng đầu năm 2012, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan liên quan lập hồ sơ, trình UBND thành phố quyết định thu hồi đất của 11 tổ chức với tổng diện tích 8.131.511m2.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo thành phố, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, tình trạng dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố vẫn chưa được khắc phục triệt để. UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác này.
Đối với các dự án chậm triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt; chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa, thì tiêu chí để xem xét, gia hạn sau thanh tra, kiểm tra như sau: Đơn vị chủ động có biện pháp khắc phục các vi phạm, khẩn trương đầu tư xây dựng thực hiện dự án và có cam kết cụ thể thời gian thực hiện dự án; Dự án có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất; Dự án phải dừng do nằm trong danh sách rà soát quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ…
Chủ tịch HĐND Tp. Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu khai mạc kỳ họp
Liên quan đến những công trình dự án “vàng” xây dựng xung quanh các công viên hiện nay, đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: Điều chỉnh mật độ xây dựng là vấn đề rất “nhạy cảm”, một số công trình xây xung quanh các công viên thường được điều chỉnh từ nhà 5 tầng lên 25-35 tầng (Tòa nhà Văn phòng Tập đoàn dầu khí). Phải chăng sự điều chỉnh này là để “hợp lý hóa” các dự án, và việc điều chỉnh này dân có biết để tham gia góp ý không? Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề nghị làm rõ vấn đề này để không tạo thành những “tiền lệ” vì hiện có tới 3 dự án dạng này đang đề nghị điều chỉnh quy hoạch.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết, các khu đất quanh các Công viên của Hà Nội cơ bản vẫn giữ đúng quy hoạch. Còn việc xây dựng Tòa nhà Văn phòng Tập đoàn dầu khí (gần hồ Thành Công), do năm 1997, Hà Nội có kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài và dự kiến xây dựng khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do không thực hiện được và Tập đoàn Dầu khí mua lại khu đất xây văn phòng chứ không phải có sự điều chỉnh quy hoạch. Hiện một số dự án trên địa bàn quận Ba Đình như: Bể bơi, Nhà Văn hóa quận... đang xin điều chỉnh lại. Tuy nhiên, theo quy định những công trình xây dựng sai phép vẫn phải giữ nguyên tính chất không cho chuyển đổi.
Kiến nghị xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là kết quả xử lý sai phạm về mật độ xây dựng sau đợt thanh tra của các Bộ, ngành, Chính phủ và tình trạng nhà, biệt thự xây xong bị bỏ hoang một cách “khó hiểu”.
Theo UBND Tp. Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng; riêng các công trình chung cư trong 14.300 căn hộ đã hoàn thành có 178 căn chưa đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1%. Nguyên nhân của vấn đề này là: Tình trạng đầu tư nhà đất chưa phù hợp với nhu cầu đa số đối tượng xã hội; Phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; Hệ thống hạ tầng khu đô thị mới chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân đến sinh sống tại khu đô thị.
Vì vậy, UBND Tp. Hà Nội đề xuất phương án xử lý tình trạng này bằng cách: Hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, nhất là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hướng đến các đối tượng bình dân, chính sách; Xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; bàn giao nhà hoàn thiện. Xây dựng chế tài xử lý nghiêm các vi phạm như đưa ra các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng theo các thời hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm bỏ hoang biệt thự; Kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên…
Về xử lý những sai phạm tại các dự án tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của Công ty Vinaconex, lãnh đạo thành phố cho biết đang chỉ đạo các Sở, ngành và chủ đầu tư kiểm điểm việc đã để Vinaconex xây dựng các nhà nối trên đất lưu không không đúng quy hoạch chi tiết đã được duyệt trên diện tích đất 5.562m2. Kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các cơ quan và cá nhân quản lý để xảy ra sai phạm. Xử lý các phần diện tích vi phạm theo các biện pháp: Tháo dỡ trả lại không gian chức năng ban đầu, chuyển mục đích sử dụng phục vụ công cộng và thành phố…
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Tp. Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị: Những giải pháp mà các lãnh đạo thành phố đưa ra đúng, trúng và hay nhưng quan trọng là phải thực hiện như thế nào cho có hiệu quả. Lãnh đạo thành phố phải nghiêm túc thực hiện những cam kết và báo cáo bằng văn bản việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn của kỳ họp này và cả kỳ họp trước với HĐND Tp. Hà Nội.
Mai Thoa