Việc triệu tập kỳ họp bất thường được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Trên cơ sở pháp lý vững chắc, những quyết sách được xem xét, quyết định nơi nghị trường đã tạo thời cơ mới cho đất nước, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đồng bào và cử tri.
Các kỳ họp bất thường diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng. Đặc biệt, công tác nhân sự tại 3 kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII, đại biểu Quốc hội Khóa XV. Ngay sau đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thực hiện nghi thức Tuyên thệ trước quốc dân, đồng bào.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 4 diễn ra trong 0,5 ngày ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp bất thường đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Quốc hội đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
"Các đại biểu đã nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đảm nhận vị trí quan trọng của đất nước", ông Cường khẳng định.
Có thể nói rằng, việc miễn nhiệm, bầu chức danh Chủ tịch nước trong kỳ họp thứ 3, thứ 4, được coi là bước đi quan trọng trong khâu quản trị nhân sự cấp cao của quốc gia. Bởi Quốc hội phải thực hiện vai trò mà Hiến pháp đã quy định: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc phê chuẩn bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao.
Luật cũng quy định, các chức danh nhân sự cấp cao do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc phải tiến hành ngay, công tác tổ chức cán bộ để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đánh giá, các kỳ họp bất thường Quốc hội đưa ra các quyết định về công tác nhân sự là quyết sách lớn mang tầm Quốc gia, có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.
Như việc khuyết Chủ tịch nước trong một thời gian là minh chứng điển hình trong việc cần thiết phải tiến hành ngay một kỳ họp bất thường để quyết đáp những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu như Quốc hội không có những đột phá mới, việc kiện toàn nhân sự cấp cao không thể tiến hành nhanh chóng, những cơ hội mới, quan trọng của đất nước cũng có thể bị lỡ nhịp theo sự chậm trễ này.
"Theo quy định của pháp luật, nếu khuyết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước có quyền quyết một số vấn đề nhất định, nhưng không thể quyết định thay Chủ tịch nước trong tất cả các vấn đề quan trọng khác. Nếu đợi đến kỳ họp thường kỳ mỗi năm 2 lần để bầu Chủ tịch nước thì sẽ bị kéo dài, nên Quốc hội tiến hành họp bất thường là cần thiết, kịp thời", ông Thảo cho hay.
Nhìn từ góc độ pháp lý trong việc Quốc hội triệu tập các kỳ họp bất thường, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa, Học viện Chính trị Công an nhân dân cho rằng, đây là điều hoàn toàn bình thường, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Theo ông Tâm, chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều biến động khó dự báo trước, tốc độ ngày càng nhanh với những biến số rất khó lường. Trong khi chúng ta chưa có được một cơ quan lập pháp chuyên nghiệp, hoạt động quanh năm như một số nước phát triển thì việc triệu tập các kỳ họp bất thường của Quốc hội ngày càng cần thiết.
Trước hết, các kỳ họp bất thường giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh mà nếu để đến kỳ họp thường kỳ, nước ta sẽ bị "lỡ nhịp", bị "chậm chân". Kỳ họp bất thường cũng có thể làm nhiệm vụ quy định những vấn đề mà luật pháp hiện hành chưa quy định hoặc có quy định khác nhằm tháo gỡ những khó khăn để các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển.
"Các kỳ họp bất thường cũng có nhiệm vụ kiện toàn nhân sự tham gia các chức danh lãnh đạo Nhà nước cấp cao, nhằm bảo đảm cho bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt như các kỳ họp bất thường thứ 3, thứ 4.
Qua đây, chúng ta có thể thấy công tác lập pháp của Việt Nam và hoạt động của Quốc hội Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn cuộc sống sôi nổi, biến động nhanh; đồng thời, tiếp cận tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn", PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, công tác nhân sự là công việc thường xuyên và là việc hệ trọng, nhiều lần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định là việc "then chốt của then chốt". Do vậy, việc lựa chọn nhân sự để bố trí các vị trí hay kịp thời thay thế cán bộ cũng là bình thường.
"Việc phát hiện nhân tài và bổ nhiệm cán bộ, thay thế kịp thời nhân sự không còn đảm bảo cũng là việc làm thường xuyên của Đảng", bà Thanh nói.
Nhắc lại quan điểm về công tác cán bộ là có lên có xuống, có vào có ra; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng thay thế những cán bộ không đảm bảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, công tác này được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận 20, khuyến khích những cán bộ không còn đảm bảo về sức khỏe và một số lý do khác có thể làm đơn xin thôi trọng trách, nhiệm vụ.
Có thể thấy, tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn. Không những thế, từ trong đại dịch đã nảy sinh hàng loạt vấn đề, trong đó nổi cộm là "đại án" Việt Á, chuyến bay giải cứu. Sai phạm từ các "đại án" này không chỉ tác động xấu tới nền kinh tế mà còn gây ra những xáo trộn nhất định về nhân sự trong hệ thống chính trị.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội nhận định, việc Việt Nam quy định có kỳ họp bất thường là hợp Hiến, hợp pháp và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Từ sai phạm của "đại án" Việt Á, chuyến bay giải cứu, không chỉ tác động xấu với nền kinh tế mà còn là tác nhân khiến cho bộ máy nhân sự buộc phải hoàn thiện trong thời điểm này khi việc miễn miễn nhiệm một số lãnh đạo diễn ra. Đây cũng là vấn đề xảy ra ngoài sự mong muốn và phải giải quyết các tình huống cấp bách của Đảng và Nhà nước. Không còn giải pháp nào khác, kỳ họp bất thường của Quốc hội là phương án tốt nhất mới có thể giải quyết được vấn đề quan trọng này của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, khi cần thay đổi đáp ứng nhu cầu thực tiễn là không có gì bất thường.
"Không phải chỉ cuối năm 2022, đầu năm 2023 mà có lẽ từ nay đến hết năm, hoặc đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội cũng phải làm công tác nhân sự khi có những yếu tố chủ quan, yếu tố khách quan thay đổi về những chức danh do Quốc hội bầu để đảm bảo hoạt động, điều hành của Chính phủ", ông Hòa nhìn nhận.
Nêu thực tiễn công tác cán bộ là nội dung cử tri đặc biệt quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ: Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Do đó, công tác nhân sự là khâu đầu tiên, cũng là khâu quan trọng trong việc triển khai mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
"Đây là hướng giải quyết chưa từng có trong tiền lệ về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, tôi cho rằng rất đúng đắn và nhân văn, vừa đảm bảo sự nghiêm minh trong việc thực thi mọi quy định, đúng với Hiến pháp và pháp luật, vừa mềm dẻo, linh hoạt.
Việc chưa có trong tiền lệ về công tác cán bộ này dần dần sẽ trở thành bình thường khi mỗi cán bộ, lãnh đạo ý thức được nhiều hơn về trọng trách của mình; về việc tự nguyện rút lui khi thấy mình không còn đáp ứng tốt mọi yêu cầu công việc.
Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên số, bất cứ một sự dùng dằng, chần chừ, mất thời gian nào cũng là lãng phí và bỏ lỡ cơ hội để phát triển, cho nên sự dứt khoát, khẩn trương trong công tác cán bộ, theo tôi cũng là một phẩm chất cần thiết, một yêu cầu bức thiết. Công tác nhân sự được kiện toàn hợp lý, kịp thời giúp chúng ta có bộ máy ổn định, vững vàng, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, nhất là trong giai đoạn hiện nay", bà Nga tin tưởng.
Tuyến bài: NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐẶC BIỆT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Bài 1: Quyết định lịch sử vì thời cơ của đất nước
Bài 2: Công tác nhân sự chủ chốt và yêu cầu cấp bách trong quản trị quốc gia
Bài 3: Dư âm tích cực từ những quyết đáp hợp Hiến, hợp lòng dân
Nội dung: Mai Thoa - Trang Nhi - Nguyên Thảo - Nguyễn Dương
Ảnh: Tư liệu, VGP, Văn phòng Quốc hội