Tin nhanh

Kỳ diệu ca ghép thận đầu tiên không cần dùng thuốc chống đào thải

Hồng Anh 22/09/2023 - 21:15

Ngày 22/9, một bé gái 8 tuổi đã trở thành người đầu tiên ở Anh được ghép thận bằng phương pháp đặc biệt giúp bé không phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.

Hệ thống miễn dịch của Aditi Shankar đã được "lập trình lại" sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện Great Ormond Street (Gosh) cấy ghép tế bào gốc và kết quả là cơ thể đã chấp nhận một quả thận của người hiến tặng.

ghep-than.jpg
Cô bé Aditi hiện có một cuộc sống chất lượng hơn nhờ tủy sống và một quả thận của mẹ. (Ảnh: AP)

Vì việc cấy ghép tủy xương và thận đến từ cùng một người hiến tặng - mẹ của Aditi - nên quả thận mới vẫn hoạt động mà không cần dùng thuốc để ngăn cơ thể đào thải nội tạng được hiến tặng.

Thuốc ức chế miễn dịch nhằm chống đào thải sau cấy ghép hoạt động bằng cách làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, nghĩa là bất kỳ ai dùng chúng đều có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn, cùng các biến chứng khác.

Người được cấy ghép nội tạng thường phải dùng thuốc chống đào thải suốt đời, nhưng Aditi đã có thể ngừng dùng thuốc một tháng sau cuộc phẫu thuật nhờ vào những kết quả tiên phong của các bác sĩ tại bệnh viện London.

Mẹ của cô, Divya nói với truyền thông rằng bà “rất vui và tự hào” khi hiến cả tủy xương và một quả thận của mình cho con gái.

Cô bé Aditi giờ đây đã có thể bơi, hát, nhảy và chơi trên tấm bạt lò xo của mình.

Mới năm ngoái, cô bé đã phải dành phần lớn thời gian ra vào bệnh viện để chạy thận - một thủ thuật loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu khi thận không thể làm việc bình thường.

Aditi lần đầu tiên được giới thiệu đến Gosh khi mới 5 tuổi và các bác sĩ phát hiện ra cô bé mắc một tình trạng di truyền hiếm gặp gọi là chứng loạn sản xương miễn dịch Schimke, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và thận. Cứ 3 triệu trẻ em ở Anh thì có 1 trường hợp mắc bệnh này.

Phương pháp điều trị đầu tiên dành cho Aditi là lọc máu và cô bé phải đi từ nhà mình ở Greenford, phía Tây Bắc London, đến trung tâm London để điều trị ít nhất ba lần một tuần.

Vào tháng 3 năm 2021, chức năng thận của cô bé suy giảm nghiêm trọng nhưng việc ghép thận không thể thực hiện được do hệ thống miễn dịch của cô rất yếu.

Vì vậy, các nhóm cấy ghép thận, miễn dịch và tế bào gốc tại Gosh đã làm việc với các đồng nghiệp quốc tế để đưa ra kế hoạch điều trị.

Trong bốn tuần, Aditi phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt để ghép tủy xương trong khi phải chạy thận liên tục.

Sáu tháng sau, vào tháng 3 năm 2023, Aditi đã đủ khỏe để được ghép thận.

Aditi nói: “Mẹ cháu đã cho cháu tế bào máu mới. Cháu được ghép thận khi đang ngủ. Bây giờ cháu đã có thể đi bơi.”

Lớp học yêu thích của Aditi ở trường là môn khoa học và cô bé rất yêu thích sinh học sau khi tìm hiểu rất nhiều về cơ thể con người trong thời gian nằm viện.

Cha cô, Uday, một đầu bếp 48 tuổi, cho biết: “Phần lớn sự hỗ trợ cho gia đình đều đến từ Aditi. Mặc dù phải chạy thận 6 đến 8 tiếng mỗi ngày nhưng con bé vẫn trở về nhà với nụ cười rạng rỡ, thắp sáng cả gia đình”.

Giáo sư Stephen Marks, chuyên gia về thận trẻ em tại Gosh cho biết: “Thật tuyệt khi thấy Aditi năng động và trở lại trường học, có chất lượng cuộc sống tuyệt vời, không phải chạy thận nữa”.

Khi được hỏi về khả năng sử dụng quy trình kép này ở những bệnh nhân khác, ông nói thêm: “Mọi thứ trong cuộc sống, đặc biệt là trong y học, đều liên quan đến tỷ lệ rủi ro và lợi ích riêng”.

“Việc thực hiện ca ghép đôi này có nguy cơ gây thương tích cho bệnh nhân và cả khả năng tử vong cao hơn nhiều, vì vậy chúng tôi luôn phải cân nhắc cho từng trường hợp riêng”.

Giáo sư Marks sẽ trình bày chi tiết về trường hợp này tại hội nghị của Hiệp hội Thận Nhi khoa châu Âu vào tuần tới. Một bài viết chi tiết về những phát hiện này cũng sẽ được công bố trên tạp chí Cấy ghép nhi khoa quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ diệu ca ghép thận đầu tiên không cần dùng thuốc chống đào thải