Kỳ cuối: Hồi ức sau tiếng súng pháp trường

congly.com.vn| 13/04/2012 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với mỗi tử tù sau ngày ra pháp trường, bài học gửi lại là lời răn với chính người đang sống đó là ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, đừng biến mình thành kẻ tội đồ. Còn đối với những người thực thi nhiệm vụ loại được kẻ phạm tội ra ngoài đời sống xã hội, góp phần đem sự bình yên cho mọi người thì cũng có những tâm tư, những phút giây xót lòng bởi dẫu sao, kẻ ph�

Người dân xem thi hành án tử hình


Phía sau tiếng súng pháp trường


Chiều tối 13-11-2007, gia đình anh Lê Văn Hoa, ở xã Đông Cương, Tp. Thanh Hóa không thấy vợ đi làm về, linh tính báo có chuyện chẳng lành vì chị Huệ vợ anh ít khi đi làm về muộn như vậy. Anh cùng mọi người trong gia đình bổ đi tìm nhưng không thấy, đến 21 giờ tối thì mọi người phát hiện xác chị Huệ bị dìm dưới ao phía sau tường rào trường Cao đẳng dạy nghề Thanh Hóa. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, trên cơ thể chị Huệ có nhiều vết thương và có dấu hiệu bị hiếp dâm.


Quá trình điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định người giết chị Huệ là Lê Đỗ Đạt, trú tại xã Đông Cương, Tp Thanh Hóa. Trước đó, Đạt đi thả bò gặp chị Huệ trên đồi C4 thuộc xã Đông Cương, Đạt đã dùng vũ lực nắm cổ áo đẩy ngã chị Huệ rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Sợ bị chị Huệ tố cáo nên sau khi hiếp dâm xong, Đạt đã dùng đá đập rất nhiều nhát vào vùng đầu, mặt chị Huệ cho đến khi bất tỉnh. Sau đó Đạt dùng quần áo của chị Huệ để trói tay chân, bịt mắt chị Huệ lại rồi bỏ đi. Khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, Đạt quay lại mang xác chị Huệ giấu xuống ao tù dưới chân đồi, sát tường rào Trường Cao đẳng dạy nghề Thanh Hóa. Đạt đã dùng vỏ dây điện buộc một hòn đá hộc rất to lên ngực, bụng chị Huệ để xác chị không nổi lên rồi dùng bèo lấp kín lại.


Phiên tòa xét xử Lê Đỗ Đạt về tội “Giết người”, “Hiếp dâm” diễn ra trong không khí rất nặng nề: gia đình bị hại đưa hai con nhỏ với vành khăn tang trắng, di ảnh, khóc thảm thiết tại phiên tòa. Cạnh đó là những người thân của bị hại trong tâm trạng ngùn ngụt lửa căm hờn đổ dồn về phía bị cáo. Hàng trăm người dân có mặt với những lời lẽ không thiện cảm dành cho Đạt, lấn át đi những tiếng thổn thức của mẹ Đạt dưới khán phòng. Đạt bị Tòa tuyên mức án tử hình cho hai tội danh “Giết người”, “Hiếp dâm”. Đạt phải trả giá thích đáng cho hành động của mình, nhưng còn đằng sau đó là nỗi đau của hai bên gia đình bị cáo lẫn bị hại đều không dễ gì xua tan đi được.


Tôi gặp ông Nguyễn Thành Bộ, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, là người gần 20 năm làm Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình của hàng trăm vụ án. Ông đã từng là người lính đối diện với kẻ thù, sống cận kề cái chết nhưng những câu chuyện phía sau tiếng súng ở pháp trường luôn là nỗi trăn trở, luôn làm ông day dứt không nguôi. Ông vẫn tự động viên mình phải bản lĩnh với những kẻ gây ra tội ác. Ông cũng từng phải ngồi lại chia sẻ rồi động viên những anh em chiến sĩ cầm súng làm nhiệm vụ sau mỗi vụ tử hình: “Những kẻ bị xử bắn là những kẻ có tội với dân, công việc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa vì loại trừ cái xấu, cái ác ra khỏi cộng đồng, đời sống xã hội, để mầm thiện được nhân lên và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn” - ông Bộ tâm sự…


Sau khi nghe đọc các quyết định thi hành án, tử tù được tạo điều kiện viết thư, ghi âm giọng nói nhắn gửi cho người thân rồi được ăn một bữa cơm ân huệ. Bữa ăn có thể là phở, bánh, xôi gà hay món mà tử tội yêu cầu. Có tử tù còn xin thêm vài chén rượu để lấy lại “tinh thần”. Thông thường các tử tù đều chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết, nhưng hiếm có tử tội nào có đủ bình tĩnh để thưởng thức bữa ăn cuối cùng đó một cách ngon lành. Rồi đến khi ra pháp trường, diễn biến tâm lý cũng khá bất thường, có kẻ sợ quá mà ngất đi, có người thì cuống lên van xin được sống dù biết là không thể. Nhưng hầu hết các phạm nhân đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, thấy luyến tiếc và ân hận về những hành vi mà mình gây ra, khi đối diện với cái chết thì mới nhận ra giá trị chân thực của cuộc sống.


Pháp trường sẽ im tiếng súng


Theo quy định của pháp luật, sau khi án có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 7 ngày, phạm nhân có quyền gửi đơn lên Chủ tịch nước xin ân xá. Trong thời hạn 2 tháng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC sẽ kiểm tra, xem xét lại lần cuối để đảm bảo bản án được thực thi đúng người, đúng tội, có kháng nghị, kháng cáo hay không. Nếu không có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và tử tù có đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có tờ trình gửi Chủ tịch nước nêu ý kiến của mình về đơn xin tha tội chết của tử tội. Nếu Chủ tịch nước bác đơn ân xá, việc thi hành án tử hình sẽ được tiến hành.


Từ ngày 1-7, tất cả trường bắn sẽ không còn chứng kiến những sự “ra đi” của tử tù sau loạt đạn đanh thép. Kẻ gây tội ác vẫn sẽ phải đền tội, trả giá, nhưng bằng cách thức nhẹ nhàng, lặng lẽ hơn đó là tiêm thuốc độc cho tử tù. Với phương thức này, những cán bộ chiến sỹ chuyên trách thi hành án tử hình, một trang mới đã mở ra trong “nghề”, giúp các anh bớt đi những niềm trăn trở. Họ sẽ đảm nhiệm công việc khác, nhưng những ký ức về những ngày cầm súng loại bỏ những phần tử xấu để thực thi công lý, đem lại hạnh phúc cho muôn người, có lẽ khó có thể quên!


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ cuối: Hồi ức sau tiếng súng pháp trường