Kon Tum: Người dân phải lội bùn vượt sông canh tác vì thủy điện

Thu Hà| 17/08/2016 09:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã hơn 10 năm nay, từ khi thuỷ điện Plei Krông được xây dựng trên sông Krông Pô Kê người dân thuộc hai thôn Đak Mút và Conjung thuộc xã Đak Mar (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) đã phải vượt sông, lội bùn 3km để qua bên kia bờ canh tác.

Nguy hiểm luôn rình rập

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Đăk Mar, phía bên kia sông có hơn 300 ha diện tích đất canh tác của bà con, chủ yếu là cà phê, cao su, sắn (mỳ) của hơn 200 hộ dân. Sản lượng nông sản thu hoạch được là nguồn thu nhập chính của bà con.

Trước đây khi chưa có thuỷ điện người dân vẫn qua sông để làm rẫy nhưng do lòng sông hẹp, nước nhiều, giao thông qua lại thuận tiện hơn bây giờ.

Kon Tum: Người dân phải lội bùn vượt sông canh tác vì thủy điện

Người dân sử dụng sào để dò đường

“Thuỷ điện xả hay đóng đập từ trước  tới nay chưa bao giờ thông báo trước với người dân. Năm 2015, khi cây lúa đang thì phát triển thuỷ điện bỗng nhiên đóng đập nước lòng hồ dâng lên, chỉ sau một đêm cả bãi lúa ngập chìm trong biển nước” - Chị Y Hoa một người dân thôn Đak Mút cho biết.

Gia đình anh A Reo (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đak Hà) có hơn 2 ha cà phê và sắn cần chăm sóc để có được năng suất cao nhưng do phân bón khối lượng lớn nên không thể vận chuyển qua ghe được. Cách duy nhất là vòng lên Đak Tô để vận chuyển phân lân, quãng đường dài hơn 50km.

Tây Nguyên có hai mùa, lưu lượng nước của dòng sông Krông Pô Kê cũng biến đổi theo mùa nhưng với quy luật ngược lại. Mùa nắng thuỷ điện đóng đập, nước sông dâng lên bà con có thể qua sông bằng phà, thuyền một cách dễ dàng. Mùa mưa thuỷ điện xả nước, sông cạn kiệt, bãi bùn bấy lâu bị che khuất bởi dòng nước xuất hiện gây nên sự khó khăn cho người dân trong việc đi lại.

Lúc này hai bên bãi bồi đều là đất phù sa nhão (bùn lầy), để đi được đến giữa sông và sử dụng ghe qua bên kia làm rẫy bà con phải lội bùn hơn 3 km, và có thể bị sụt bùn bất cứ lúc nào vì không ai biết được độ nông sâu của bãi bùn.

Kon Tum: Người dân phải lội bùn vượt sông canh tác vì thủy điện

Bến phà nằm im lìm bên bãi bùn

Đặc biệt trước tình trạng hiện nay để tránh tình trạng tai nạn đáng tiếc xảy ra, cứ 4 giờ chiều, bà con đi làm rẫy phải quay trở về làng vì sợ trời tối không xác định được đường về.

Để mục sở thị, PV đã di chuyển xuống khu vực lòng hồ, tuy nhiên vì không quen thuộc địa hình nên đã liên tục bị sụt xuống lầy, bùn ngập quá đầu gối không thể tự thoát ra khỏi hố, phải nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh. 

Anh A Tới chia sẻ bí kíp đi đường cho chúng tôi: “Muốn đi ra ngoài này là phải theo lối bước chân của người ta đã đi. Xung quanh toàn bùn lầy đi không quen dễ bị sa lầy lắm. Càng cử động chân thì càng bị lún xuống, nhiều người dân vẫn phải mang theo cây sào để xem trước đường đi cho khéo”.

Bến Phà đầu tư hàng tỷ đồng nằm im lìm bên bãi bồi

Một thời gian sau khi xây dựng, thủy điện tích nước khiến lòng hồ mở rộng, để thuận tiện cho người dân qua lại sản xuất, vận chuyển nông sản, hộ gia đình anh A Hiếu đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng đóng 3 phà mới.

Người dân đi lại đơn thuần được miễn phí, đối với xe máy là 3000 đồng, nguyên liệu sản xuất, chăm bón sẽ tính theo khối lượng mà thu phí. Từ khi có phà, giao thông đi lại cải thiện nhiều. Tuy nhiên đầu tư số tiền lớn nhưng bến phà của anh chỉ hoạt động được lúc nước lớn, mấy tháng trở lại đây nằm im lìm trên bãi bùn ven bờ sông.

Nhìn tài sản của mình hoen gỉ bởi sương, bởi nắng anh Hiếu không khỏi xót xa: “Xả hay đóng đập đó là nguyên tắc hoạt động của thuỷ điện, nhưng có thể để nước ở mức vừa phải đừng cạn đáy như bây giờ, giúp người dân đi lại cho đỡ khổ”.

Về phía chính quyền xã, dù tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, xã đã kiến nghị nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn không có phương án hỗ trợ bà con. Để đảm bảo bà con sản xuất ổn định, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do đuối nước thì chính quyền xã chỉ thực hiện tuyên truyền cho bà con, khuyến cáo bà con ít đi lại, thực hiện canh tác dài ngày tại rẫy, khi nào xong việc rồi mới trở về.

Kon Tum: Người dân phải lội bùn vượt sông canh tác vì thủy điện

Người dân dùng ghe để di chuyển qua sông làm rẫy

Thực hiện cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực nước sâu, bùn nhão dễ xảy ra tai nạn. Ông Nguyễn Chí Ánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã, người đã có hơn 10 năm gắn bó với người dân hai làng cho hay: “Tình trạng này diễn ra lâu nay, bà con đi lại vất vả lắm nhưng không yêu cầu thủy điện ngừng xả nước được. Hơn hết bà con nên đi đường Đak Tô, tuy xa một tý nhưng đảm bảo an toàn. Thay vì đi thăm rẫy hàng ngày mình chuyển sang đi hàng tuần, mỗi lần đến chỗ canh tác cố gắng ở lại làm xong việc rồi mới về".

Về lâu dài, xã đã tính đến việc chuyển đổi cây trồng cho bà con nhưng những cây hiện tại là đã phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên cũng như thời gian sinh trưởng và phát triển đủ dài để không phải chăm sóc thường xuyên. Những hộ gia đình cuối dòng sông tận dụng đất dọc ven bờ trồng sắn, sản lượng thu hoạch hàng năm cũng thêm.

Khi được hỏi đến vấn đề thủy điện có thông báo việc đóng, xả nước hàng năm hay không, ông Ánh trả lời: “Từ trước tới nay chưa có bất kỳ một văn bản nào thông báo lịch xả nước. Bà con trong xã đều tự chủ động quan sát dòng chảy, đoán trước tình hình để đảm bảo an toàn cho mình”.

Có thể nói rằng, thuỷ điện xây dựng lên nhằm mục đích thương mại tuy nhiên cũng cần phải chú trọng quan tâm đến điều kiện sống của bà con nơi đây. Để cuộc sống của người dân bớt khổ, kinh tế bền vững các cơ quan hữu quan cần có hướng đi đúng đắn, dài hơi phù hợp với điều kiện địa phương, tránh tình trạng đẩy người dân vào cảnh thiệt đơn thiệt kép.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Người dân phải lội bùn vượt sông canh tác vì thủy điện