Rừng đặc dụng Đăk Uy (Kon Tum) với nhiều cây keo được trồng từ năm 1993 bị chính người của Ban quản lý khai thác. Điều đáng nói, quá trình bị phát hiện, người đứng đầu đã “phù phép” để làm thay đổi số liệu thực tế…
Có hay không việc tiếp tay?
Theo phản ánh, trong khoảng tháng 12/2015 và đầu năm 2016, ông Nay Y Riu, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng (BQLRĐD) Đăk Uy đã khai thác gỗ keo để bán. Khi bị phát hiện và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều người khá ngạc nhiên vì ông A Lương là nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng và là em vợ của ông Y Riu đứng ra nhận mình là người “xẻ thịt” số cây keo nói trên.
Tại Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC về lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày 8/1/2016 của BQLRĐD Đăk Uy - Hạt kiểm lâm Đăk Uy thể hiện: Ông A Lương là nhân viên hợp đồng của BQLRĐD Đăk Uy khai thác rừng trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 342A, toàn bộ tang vật là 30 cây keo lá tràm thuộc nhóm VI đã được cắt thành 71 khúc lóng với tổng khối lượng 1,941m3. Kèm theo biên bản nói trên là 1 lý lịch gỗ tròn thể hiện có tất cả là 71 lóng với tổng khối lượng 1,941m3 và các lóng có đường kính lớn nhất là 20cm và chiều dài dài nhất là 2m.
Hành vi tự ý khai thác rừng đặc dụng Đăk Uy của A Lương vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, điều này đã quá rõ. Tuy nhiên, để lấp liếm cho sai phạm này, chính BQLRĐD Đăk Uy đang cố tình tạo nên nhiều sai phạm khác. Để mục sở thị những “chứng tích” về vụ khai thác trái phép nói trên, PV đã đến tận hiện trường để ghi nhận. 30 gốc tràm vẫn còn trơ ra, trung bình đường kính của mỗi cây được đo thực tế là từ 30-50cm. Bên cạnh những cây “may mắn” còn nguyên vẹn có cùng độ tuổi (trên 20 năm) cho thấy, chiều cao trung bình mỗi cây đến chỗ phân cành là 3m đến 4m với đường kính cây nhỏ nhất cũng là 30cm.
Những gốc cây keo bị chặt phá có đường kính trung bình từ 30-50cm trong khi biên bản, lý lịch gỗ ghi nhận lóng lớn nhất chỉ 20cm
Trở lại vấn đề biên bản làm việc, nội dung vi phạm mà BQLRĐD Đăk Uy đã lập trước đó có một sự “sai số” không hề nhỏ. Thực tế gốc để lại tại hiện trường trung bình mỗi cây có đường kính 30-50cm nhưng trong biên bản thể hiện đường kính lớn nhất của một lóng cũng chỉ đến con số 20cm. Không chỉ vậy, độ dài của các lóng cây thu giữ thể hiện cũng khá “khiêm tốn”, dài nhất cũng chỉ được 2m. Tại sao lại có sự chênh lệch khó hiểu này? Phải chăng đã có sự “nhầm lẫn” trong quá trình đo đạc? Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu có phải toàn bộ 71 lóng ghi nhận như trên đơn thuần chỉ là cành cây mà không phải là thân cây?
Khi người đứng đầu Ban quản lý không nghe “rừng khóc”
Trao đổi với PV, ông Nay Y Riu cho biết sai phạm của ông A Lương cũng đã bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Việc rừng đặc dụng bị khai thác, cụ thể là 30 cây keo nói trên xảy ra vào ngày cuối tuần nên đơn vị không thể phát hiện để ngăn chặn kịp thời…
Trên thực tế, việc khai thác 30 cây keo nói trên diễn ra trong một ngày và được khai thác bằng loại cưa máy. Vị trí khai thác cách trụ sở BQLRĐD (luôn có người trực) chưa đầy 300m theo đường chim bay, có nghĩa là điểm rừng bị khai thác nằm trong khuôn viên rất gần với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ… bảo vệ rừng. Như vậy, việc ông Y Riu lý giải không nghe, không thấy, không biết liệu có chấp nhận được?
Cũng liên quan đến nội dung khai thác trái phép 30 cây keo của ông A Lương, tại Kết luận số 15/KL-SNN ngày 15/1/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận “Bản tường trình ngày 3/1/2016 của ông A Lương về việc tự ý cắt hạ một số cây keo trong lâm phần BQLRĐD Đăk Uy…”. Vấn đề đáng nói ở đây “một số cây” là bao nhiêu cây? Trong khi đó, ngay trong Biên bản kiểm tra về việc khai thác rừng trái phép số 01/BB-KT được lập lúc 9 giờ tại hiện trường đã ghi nhận rõ ràng 30 cây.
Để xảy ra việc khai thác trái phép cho thấy, thực tế BQL Hạt kiểm lâm RĐD Đăk Uy chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ, trách nhiệm của Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm RĐD Đăk Uy chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Việc có sự “sai số” lớn giữa thực tế với những con số được báo cáo lên cấp trên đến nay vẫn là một dấu chấm hỏi cần các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ. Hành vi của A Lương là vi phạm điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Điều 12 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ nên cần phải được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cũng từ những con số được “nói giảm, nói tránh” nên hành vi của A Lương chỉ bị xử phạt hành chính số tiền 16 triệu đồng khiến dư luận bất bình.
Liên quuan đến BQLRĐD Đăk Uy còn có rất nhiều sai phạm, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc trong những số báo tiếp theo.