Kinh tế Việt Nam 2014: Bức tranh sẽ sáng hơn

Trung Kiên| 30/01/2014 20:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định được kinh tế vĩ mô, những biến chuyển của nền kinh tế thế giới theo chiều hướng tích cực… sẽ là những cú hích mạnh đối với nền kinh tế trong năm 2014.

Dấu hiệu tích cực

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá môi trường vĩ mô nhìn chung tương đối ổn định. Các dữ liệu thống kê cho thấy bức tranh kinh tế thế giới đã bớt đi mảng màu u ám và đang xuất hiện nhiều hơn những điểm sáng.

Theo WB, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là cỗ máy dẫn dắt tăng trưởng của thế giới. IMF dự báo các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay và 7% trong năm sau. Trong đó, 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng là 5,6%. Lạm phát được dự báo sẽ giảm ở hầu hết các nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có những chuyển biến thuận lợi, các chỉ báo kinh tế cho thấy kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu hồi phục đầu tiên.

Với nền tảng là sự ổn định của năm 2013, kinh tế vĩ mô 2014 được dự đoán sẽ “dễ thở” hơn. Dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 chỉ 5,24% và 5,43%. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng như các tổ chức trong nước cho rằng GDP năm 2014 tăng trưởng từ 5,6 - 5,7%.

Theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2014 GDP dự kiến tăng trưởng 5,8%; tỉ lệ lạm phát duy trì ở 7% với tăng trưởng tín dụng từ 10-12%. Có thể thấy, nhiều khả năng tăng trưởng khó chạm mức 6%. Điều này cũng hoàn toàn lý giải được bởi Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn. Tăng trưởng tín dụng khá thận trọng với chính sách tiền tệ chặt chẽ giúp cho mục tiêu lạm phát 7% là có cơ sở. Nhiều khả năng mức lạm phát mục tiêu 7% sẽ được duy trì trong 2-3 năm tiếp theo.

Kinh tế Việt Nam 2014: Bức tranh sẽ sáng hơn

Bức tranh kinh tế Việt Nam hy vọng sáng hơn sang năm 2014

Phục hồi niềm tin

Theo các chuyên gia, mặc dù còn khó khăn nhưng bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và quan trọng nhất là khôi phục lại niềm tin của thị trường.

Những dấu hiệu bất ổn vĩ mô được cải thiện so với các năm trước, đặc biệt là nguy cơ lạm phát cao đã được ngăn chặn. Tốc độ tăng CPI từ hơn 18% năm 2011 đã kéo giảm xuống còn 6,81% năm 2012; và dự kiến cả năm 2013 khoảng 6,5-7%. Đây là kết quả nổi bật nhất trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình.
Cụ thể, về ngắn hạn, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp. Điều chỉnh lại Nghị quyết 02 của Chính phủ phần liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở “phổ thông”, tức là loại nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và khoảng 500 triệu/căn hộ ở các địa phương khác thông qua công cụ tín dụng cho người mua nhà. Hỗ trợ trực tiếp người mua, chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.

Về lâu dài, cần một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế kéo dài đến hết năm 2015. Chính sách chủ đạo của chương trình là thực hiện chính sách “lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công, mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. 

Trong 2 năm 2013-2014, cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Lồng ghép vào các nhóm giải pháp trên trong chương trình trung hạn cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DNNN.

Mục tiêu đúng đắn

Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh  nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kích thích kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm (không nên thấp dưới 30% GDP) để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Kinh tế Việt Nam 2014: Bức tranh sẽ sáng hơn

Nhiều ngành nghề mũi nhọn sẽ được chú trọng trong năm mới

Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới. Bên cạnh đó, trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng do đó việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, về mặt dài hạn cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội đã nói rất rõ, trong năm tới sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô như phân bổ nguồn lực, ổn định kinh tế giúp lạm phát giảm. Theo ông Thành: “Ổn định cũng là điều tiên quyết giúp niềm tin trở lại, thời cơ đến. Đây là mục tiêu đúng đắn”.
TS Võ Trí Thành cho rằng, năm 2013, kinh tế Việt Nam đã làm được hai việc lớn, đó là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc lại nền kinh tế. Theo nhận định chung, tình hình ổn định kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện, lạm phát xuống rất nhanh, cán cân thanh toán có thặng dư khá lớn từ năm ngoái đến năm nay. Thương mại tương đối cân bằng, giá trị đồng tiền Việt Nam không mất nhanh như trước đây, tiền đồng được tin tưởng hơn ít nhiều, các vấn đề của ngân hàng được giải quyết bước đầu như vấn đề thanh khoản. 9 ngân hàng yếu kém nhất cũng đã được bước đầu tái cấu trúc hoặc chuẩn bị tái cấu trúc trong năm nay.

Theo ông Thành, trong năm tới, khi điều hành nền kinh tế, một mặt Chính phủ cần kiên trì thực hiện mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết 02 từ đầu năm, mặt khác quyết tâm ổn định, hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, giãn - giảm - miễn thuế, triển khai quyết liệt và hiệu quả gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội, hình thành và phát hành trái phiếu, có thể ứng trước trái phiếu của năm sau cho năm trước…

Điểm nổi bật về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014, ông Thành cho biết: Phần lớn các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong vài tháng trở lại đây đều cho rằng, năm 2013 tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khoảng 5,2-5,3%, năm 2014 tăng trưởng sẽ quanh con số 5,5%, năm 2015 là 5,8%. Theo Chính phủ, năm 2014 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,8% còn năm 2015 là 6%.

TS Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định được kinh tế vĩ mô, niềm tin quay trở lại cùng với những hiệp định thương mại tự do được ký kết, những biến chuyển của nền kinh tế thế giới theo chiều hướng tích cực… sẽ là những cú hích mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành công ty kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt Nam: "Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh vào 2014"

 

Nhìn chung hiện tại, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định hơn và doanh nghiệp hưởng lợi từ điều này, họ sẵn sàng đưa ra các quyết định đầu tư. Kinh tế Việt Nam hiện đang có mối liên hệ chặt chẽ hơn với kinh tế thế giới và nhiều khu vực kinh tế lớn của thế giới như Mỹ hay Nhật đang phục hồi, hai thị trường này là điểm đến quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Dự báo kinh tế 2014 -2015 

 Mục tiêu tổng quát: Kiên trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm 

phát, đạt mức tăng trưởng hợp lý; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo 

an sinh xã hội; phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt được nền tảng vững chắc để tạo đà 

tăng trưởng trong những năm tiếp theo.  

(Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam 2014: Bức tranh sẽ sáng hơn