Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và kinh tế xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Những con số ấn tượng
Chiều 16/12, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022. Ông Vũ Duy Tuấn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội đã báo cáo khái lược về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
Về hỗ trợ phục hồi phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thành phố đã giảm thuế GTGT cho 72.272 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế GTGT được giảm là 13.212 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho 18.644 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 11,94 nghìn tỷ đồng (Thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,97 nghìn tỷ đồng; Thuế thu nhập cá nhân là 10 tỷ đồng; Thuế GTGT hơn 8,11 nghìn tỷ đồng; Tiền thuê đất là 847 tỷ đồng).
Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt 3,8 triệu tỷ đồng cho hơn 216,6 nghìn lượt khách hàng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 6,3%); Ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh. Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; ước năm 2022 IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò và gia cầm đều tăng.
Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi phát triển. Ước năm 2022, vốn đầu ta phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, TP Hà Nội thu hút khoảng 1.540,4 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%). Trong 11 tháng đầu năm 2022, có 27.601 doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Tại buổi họp báo, báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục. Cụ thể, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật; tỷ lệ chậm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND thành phố vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều; năng lực một bộ phận cán bộ các cấp còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; quy trình xử lý văn bản nhiều khâu chưa hợp lý.
Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, dù kết quả cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, nguyên nhân chủ yếu do tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm, như: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt; vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ, việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư, thẩm định phê duyệt dự án; sự thiếu quyết liệt cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng…
Tổng thu ngân sách ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ DNNN địa phương đạt 74,1% dự toán, giảm 5,7%; thu từ Khu vực Đầu tư nước ngoài đạt 89,7% dự toán, giảm 0,5%; các khoản thu về nhà, đất chỉ đạt 60,3% dự toán, giảm 22,2%.