Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu hồi phục

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một loạt các chính sách được đưa ra để kiềm chế lạm phát như cắt giảm đầu tư công, kiểm soát thị trường vàng, tiền tệ, áp dụng các biện pháp bình ổn giá… của Chính phủ được đánh giá cao tại Phiên họp thứ 41, UBTVQH hôm qua, 30-6.

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong những tháng đầu năm 2011 diễn biến không thuận lợi. Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tài chính quốc tế đã có điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giảm và lạm phát tăng cao hơn so với mức dự báo trước đây. Những dấu hiệu bất ổn kinh tế trên thị trường đã tác động trực tiếp đến Việt Nam làm cho chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh đột biến; lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường vàng và ngoại tệ có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có những biện pháp kịp thời nên tình hình kinh tế những tháng gần đây diễn biến tích cực.


Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chuyển biến theo hướng giảm kể từ tháng 5 (CPI tháng 4 tăng 3,32%, tháng 5 tăng 2,21%, tháng 6 tăng 1%). Xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (27,8%). Tỷ lệ nhập siêu tháng 6 bước đầu đã có dấu hiệu giảm sau một số tháng ở mức cao, đưa tỷ lệ nhập siêu 6 tháng dự kiến xuống khoảng 15,7% so với kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn kế hoạch (18%). Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định, nhu cầu ngoại tệ của các DN để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ nước ngoài cũng như nhu cầu hợp lý của người dân cơ bản được đảm bảo; dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng.


Mặc dù điều kiện sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, nhưng thu ngân sách nhà nước khá cao, đạt 55,1% so với dự toán, đáp ứng nhiệm vụ chi theo dự toán. Cùng với việc tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên 10% và cắt giảm đầu tư công, tăng thu ngân sách góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách cả năm xuống dưới 5% GDP.


Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những hạn chế nhất định như, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, vượt xa chỉ tiêu 7% cho cả năm, gây nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trong đó có 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo, cũng như người thu nhập thấp, trung bình ở thành thị.


Đa số ý kiến trong Ủy ban kinh tế cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan của tình hình kinh tế thế giới tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao thì yếu tố chủ quan xuất phát từ nội tại nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính.

Những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá USD/VND, tăng lãi suất liên ngân hàng dồn dập tâp trung thời điểm cận Tết âm lịch đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất; Sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do lãi suất vay quá cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và 2012.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, chủ trương cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 là đúng đắn, nhưng nhiều địa phương có những phản ứng vì kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt trước khi ban hành Nghị quyết này nên khó thực hiện. Vì vậy, nên để các địa phương chủ động xem xét hạng mục, lĩnh vực nào cần cắt giảm sẽ hợp lý hơn.


Một số đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện cắt giảm đầu tư công cũng cần phải chú ý đến những đầu tư mang tính đảm bảo ổn định an sinh xã hội, bảo vệ những tầng lớp yếu thế trong xã hội, như việc xây dựng lộ trình tiền lương tối thiểu, tăng viện phí… cần đảm bảo sao cho những đối tượng nghèo, công nhân, và những người lao động không bị tác động xấu.

Bên cạnh đó, những hạng mục đầu tư góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được đánh giá lại và có những biện pháp phù hợp. Vì qua quá trình giám sát cho thấy, chỉ 5 tỉnh Tây Nguyên hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm đến 80%, đây là con số chúng ta phải suy nghĩ.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, những giải pháp điều hành, chỉ đạo kiềm chế lạm phát trong thời gian qua được coi là những điểm sáng, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự chia sẻ của nhân dân.

Tuy nhiên, phải đánh giá, duy trì mức tăng trưởng đó ổn định, bền vững đề phòng 6 tháng cuối năm có thể có những diễn biến khác tác động xấu đến nền kinh tế nước ta. Đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tính cạnh tranh của nền kinh tế.


Quốc Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu hồi phục