Kinh nghiệm thực tiễn triển khai Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Ngọc Mai| 07/12/2015 11:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

5 bài học kinh nghiệm đã được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TW chỉ rõ trong Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm tại Lễ khai mạc Đại hội sáng nay (7/12).

Kinh nghiệm thực tiễn triển khai Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trình bày Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015) tại Đại hội sáng nay (7/12)

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trình bày tại Đại hội khẳng định, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã tạo được động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét.

Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác... Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, quan tâm đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực công thương, xây dựng, giao thông vận tải, phong trào "Xây dựng đường giao thông nông thôn" đã được triển khai hiệu quả với gần 150.000km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh được nâng cấp, cải tạo, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Phong trào lao động sáng tạo "Năng suất, chất lượng, hiệu quả trên công trình trọng điểm thủy điện Sơn La" đã góp phần đưa công trình về đích sớm 3 năm so với kế hoạch, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước...

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các phong trào thi đua "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới", "Vì sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" đã tạo ra những mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã thu hút bình quân 8,2 triệu hộ nông dân đăng ký thi đua mỗi năm, từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi với các mô hình có thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, thu hút hàng trăm lao động. So với giai đoạn 2005-2010, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm đã tăng gấp 3 lần, mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tăng gấp 5 lần.

Lĩnh vực khoa học, công nghệ, các phong trào thi đua đã giúp triển khai 377 mô hình thư viện điện tử để cung cấp thông tin khoa học, công nghệ đến cấp xã; thông qua mô hình thư viện điện tử đã đào tạo được 1.000 kỹ thuật viên vận hành và hướng dẫn trực tuyến cho gần 1 triệu nông dân biết cách khai thác thông tin trên mạng điện tử, góp phần tạo nên những mô hình mới, cách làm sáng tạo...

Ngành giáo dục, y tế, văn hóa, các phong trào nâng cao chất lượng bảo vệ nhân dân, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực là những phong trào nổi bật, đã tạo nên luồng gió mới trong các ngành, phát huy tác dụng tốt. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã giúp huy động các nguồn lực to lớn trong cộng đồng giúp đỡ các gia đình có công, chính sách...

Phó Chủ tịch nước khẳng định, các tập thể, cá nhân về dự Đại hội hôm nay cùng vô vàn những cá nhân tiên tiến, điển hình khác chính là những bông hoa tươi thắm nhất dâng lên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới. Các điển hình tiên tiến với những độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau song đều là những tấm gương sáng, sống có lý tưởng, dám nghĩ, dám làm, giản dị, khiên tốn, giàu lòng nhân ái, tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thực hiện phong trào giai đoạn 1 cũng bộc lộ những hạn chế như: Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức, một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể; Chất lượng công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa nêu gương và lan tỏa; Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng.

Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền mặt trận và các đoàn thể ở một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa đúng mức; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định của Luật thi đua khen thưởng và các văn bản liên quan; công tác thanh, kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa thường xuyên, liên tục...

Trên tinh thần nhìn nhận đánh giá lại thực tiễn triển khai phong trào, công tác này, Báo cáo đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm lớn:

Thứ nhất, công tác thi đua, khen thưởng phải thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớn nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Phải kiên trì và thực hiện tốt phương châm “cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”.

Thứ hai, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Các phong trào thi đua phải có chủ đề, nội dung tiêu chí cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, trong công tác thi đua, khen thưởng phải luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động phong trào thi đua và thực hiện chính sách pháp luật về khen thưởng; gắn công tác tuyên truyền với nêu gương, giao lưu, trao đổi, học tập, nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua nhằm đánh giá đúng hiệu quả của phong trào, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phát triển nhân tố mới, cách làm hay để nhân rộng. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, tạo mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng để thi đua thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng. Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương” trong quần chúng nhân dân.

Thứ năm, luôn quan tâm tới việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng vì đây là đội ngũ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng.

Với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới (2015-2020) sẽ đổi mới với mục tiêu mới là: Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm:

- Hàng năm, 100% Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực.

- Về tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu...: Đối với hình thức khen thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đạt tỷ lệ 60% trở lên; Đối với hình thức khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên đạt tỷ lệ 20% trở lên.

- Kết quả thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đến năm 2020: Có trên 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Các nhiệm vụ chủ yếu đề ra cho giai đoạn tới gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, trong đó gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm thực tiễn triển khai Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”