Trên đường chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, không hiếm tài xế đã lạm dụng "quyền ưu tiên" của mình để rồi không làm chủ được tốc độ và để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Cùng nhìn lại những vụ tai nạn xe cứu thương đặc biệt nghiêm trọng.
4 người tử vong, 2 người nguy kịch
Vào lúc 2h30 phút sáng 12/4/2011, tại km 366 + 214 QL1A gần Cầu Còng (Thị trấn Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Chiếc xe cứu thương mang biển kiểm soát 29Z – 8933, di chuyển theo hướng Bắc – Nam đã đâm vào phần đuôi của xe tải mang biển kiểm soát 54T – 6948 đi cùng chiều.
Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong và hai người bị thương nặng.
Xe cứu thương nát bét sau vụ tai nạn (ảnh internet)
Trong số các nạn nhân tử vong, có 3 người ở huyện Đô Lương, Nghệ An và lái xe Phùng Văn Hùng quê ở Tuyên Quang.
Nguyên nhân được xác định do tài xế xe cứu thương buồn ngủ và không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào chiếc xe tải.
3 người tử vong, 2 người nguy kịch
Vào khoảng 4h30 ngày 20/12/2013, xe cứu thương mang BKS: 67A-00703, của Bệnh viện đa khoa tư nhân Nhật Tân (thị xã Châu Đốc, An Giang) do tài xế Trần Minh Hiếu ( 28 tuổi, trú tại thị xã Châu Đốc, An Giang) điều khiển chở bệnh nhân lên TP.HCM cấp cứu.
Hiện trường vụ tai của một xe cứu thương (ảnh internet)
Khi đang lưu thông trên đường cao tốc Trung Lương, đến km18, địa phận tỉnh Long An, xe cứu thương đã đâm vào phía sau xe chở thép mang BKS: 80K-1266 do tài xế Võ Minh Phượng ( ngụ Vĩnh Long) điều khiển.
Vụ tai nạn đã khiến, 3 người tử vong tại chỗ, trong đó có tài xế Hiếu, điều dưỡng viên Lâm Thị Lan (62 tuổi, ngụ thị xã Châu Đốc, An Giang), và một người đàn ông ngồi trên ghế đầu của xe cứu thương. Hai nạn nhân bị thương là anh Bùi Tuấn Vũ (SN 1991, quê An Phú, An Giang) và Bùi Tuấn Cảnh (anh trai Vũ) được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Xe cứu thương đối đầu xe tải, 3 người chết, 2 người nguy kịch
Vào khoảng 14 giờ 40 phút, ngày 21/8/2014, tại km 781 + 800, trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Xe cứu thương đối đầu xe tải (ảnh internet)
Tai nạn xảy ra khi xe cứu thương BKS 74B - 0549, của Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải (Quảng Trị), do lái xe Bùi Hữu Quýnh (48 tuổi), điều khiển chạy theo hướng Bắc-Nam, trên xe chở 5 người (trong đó có một cháu nhỏ), đến địa điểm trên đã tông trực diện vào xe tải BKS 43C - 026.42, của doanh nghiệp Dũng Hòa (TP Đà Nẵng), do lái xe Nguyễn Anh Tài (24 tuổi), điều khiển, chạy theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe cấp cứu gồm tài xế Quýnh, bà Nguyễn Thị Tâm cùng con gái tên Hàn (6 tháng tuổi) tử vong; điều dưỡng Lê Thị Hằng và ông Nguyễn Hùng (chồng bà Tâm) bị thương rất nặng.
Xe cứu thương húc đuôi container, 3 người tử vong, 2 người nguy kịch
Mới đây nhất một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra vào rạng sáng ngày 28/5/2015, trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn Km210 Quốc lộ 1B, trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Chiếc xe cứu thương biến dạng sau vụ tai nạn (ảnh internet)
Theo thông tin ban đầu, chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng Hà Nam - Hà Nội. Đến đoạn đường trên, do xe bị hỏng nên tài xế cho xe đỗ lại tại làn đường bên phải, có đặt tín hiệu cảnh báo các phương tiện khác.
Đúng lúc này, một chiếc xe cấp cứu lưu thông cùng hướng đã đâm thẳng vào đuôi chiếc xe container nói trên, cú va chạm mạnh khiến xe cấp cứu bẹp nát phần đầu, 2 người trên xe cứu thương tử vong tại chỗ, 1 người tử vong trên đường đi cấp cứu, 2 người khác bị thương nặng.
Hiện nay, chưa có một con số thống kê chính thức nào từ cơ quan chức năng về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe cứu thương, nhưng ngoài những tai nạn đã được nhìn thấy trên thực tế, các lái xe cứu thương cho biết còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn (và rất dễ trở thành tai nạn thực) khi lái loại xe đặc biệt này.
Những người từng làm tài xế xe cứu thương cho các bệnh viện và Trung tâm cấp cứu đều cho rằng: "Lái xe cứu thương căng thẳng ở chỗ làm sao vừa phải nhanh nhất nhưng lại vẫn phải đặt an toàn khi tham gia giao thông lên hàng đầu. Hai điều này khó mà đi song song với nhau được. Đó là chưa kể đến chuyện vẫn còn một số người dân ở ta cũng chưa có ý thức nhường đường cho xe cứu thương, dù xe có hú còi inh ỏi".
Mặt khác, trong tình trạng nhu cầu sử dụng xe cứu thương của người dân thành phố (và cả các tỉnh lân cận Hà Nội) luôn cao hơn khả năng đáp ứng từ phía các nhà cung cấp thì việc các tài xế, các phương tiện luôn trong trạng thái “quá tải” cũng là điều dễ hiểu.
Thực trạng này đã khiến nhiều tài xế xe cứu thương làm việc liên tục, quá giờ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng phương tiện.