Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm trong đầu tư công

Lan Trần| 26/05/2018 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ Tài chính, đối với đầu tư công, các cấp cần thực hiện nghiêm túc đúng qui định đồng thời tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư cũng như giám sát, kiểm tra.

Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 25/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề các dự án đầu tư bị "đội vốn", tăng vốn rất nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.

Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm trong đầu tư công

Quang cảnh buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 25/5

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến đội vốn, ông Tuấn Anh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nêu một số nguyên nhân dẫn đến đội vốn như chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án);  Chất lượng thẩm định không cao: Tại các khâu thẩm định, phê duyệt không phát hiện ra đến khi đi vào thực hiện mới phát sinh đòi hỏi phải điều chỉnh, tăng vốn.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian như giải phóng mặt chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...; Thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.

Ông Tuấn Anh cũng nói về trách nhiệm cơ quan quản lý gồm: Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý tổ chức triển khai dự án từ khâu khảo sát, lập, thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công, quyết toán...; các cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định điều chỉnh dự án tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra là kịp thời phát hiện những bất cập để có ý kiến với cấp thẩm quyền xử lý.

Trước đó, ngày 21/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trước Quốc hội. Trong đó,  Kiểm toán Nhà nước đã “điểm danh” một số dự án lập, thẩm định, phê duyệt có quy mô, thời gian không tuân thủ Kế hoạch 5 năm được phê duyệt; một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Thậm chí còn có một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho thấy tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng dự án kéo dài thời gian thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn như Hòa Bình 78 dự án; Yên Bái 61 dự án; Lai Châu 07 dự án; Lạng Sơn 5 dự án; Lâm Đồng 37 dự án; Kiên Giang 8 dự án; Đồng Nai 7 dự án.

Trước những tình trạng vi phạm trong đầu tư công nói trên, ông Lê Tuấn Anh cho rằng giải pháp tối ưu lúc này là các cấp thực hiện nghiêm túc đúng quy định. Bên cạnh đó cần tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư, đặc biệt, tăng cường giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh và ngay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm trong đầu tư công