Kinh doanh trách nhiệm để thích ứng với xu hướng “bền vững hóa” tiêu dùng giữa đại dịch COVID

Trang Nhi| 24/08/2021 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.

Xu hướng tiêu dùng bền vững

Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.

Kết quả là 90% người được hỏi đều thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này từ khi đại dịch xảy ra; 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững vào thời kỳ đại dịch, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.

Thời gian qua, đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Theo đó, mặt hàng được lựa chọn hàng đầu là thực phẩm và sản phẩm y tế. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm và sản phẩm y tế vì những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống trước thực trạng dịch bệnh đang ngày càng lan rộng với những biến thể nguy hiểm hơn.

1.jpeg

COVID-19 khiến người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn, có kế hoạch, hợp lý hơn.

Đặc biệt, người tiêu dùng đang chuyển hướng sang ưu tiên tiêu chí “tiện” - “bảo vệ môi trường” khi mua hàng trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay. Đó là việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ, giao hàng tận nơi và thanh toán không tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, sử dụng đồ an toàn với môi trường…

Có thể thấy, khủng hoảng sức khỏe đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhu cầu và thói quen mua sắm của mọi người. Người dân có xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

Tiêu dùng bền vững có thể là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên cũng không khó thực hiện. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mang lại nhiều khó khăn, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có thể “bền vững hóa” việc tiêu dùng hàng ngày để đóng góp cho sự an toàn của bản thân, xã hội và cho các thế hệ sau này.

Hiện nay, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen, hướng đến “tiêu dùng xanh” nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường, tăng cường việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương, mùa nào thức nấy nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường do vận chuyển từ nơi xa đến cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tích cực hưởng ứng các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hướng tới tiêu dùng bền vững, như lựa chọn không lấy dụng cụ ăn uống nhựa khi mua hàng qua mạng, chọn mua từ những cửa hàng sử dụng vật liệu xanh trong kênh phân phối như túi giấy, lá chuối gói rau…

Kinh doanh trách nhiệm, hướng tới “bền vững hóa” tiêu dùng

Mặc dù COVID-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.

Do tính chất lây nhiễm cao của virus COVID-19 và tính tiện lợi từ việc giao - đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị.

2.jpeg

Doanh nghiệp, cửa hàng sử dụng túi giấy đựng sản phẩm thay cho túi nilon, hộp nhựa.

Ngoài ra, sử dụng các sản phẩm "xanh" đang được xem là xu hướng hiện đại và giúp khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng đến từ rác thải nhựa. Nhiều vật dụng làm từ nhựa dùng một lần đang được thay thế dần bởi các giải pháp thân thiện hơn với môi trường, có thể kể đến các loại ống hút làm từ inox, thủy tinh, tre, cỏ, bột gạo... thay thế cho chiếc ống hút nhựa phổ biến. Xu hướng này sẽ có khả năng chiếm ưu thế trong tương lai, giúp cho công tác xử lý rác thải ngày càng hiệu quả hơn, cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Trước xu hướng mới này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (VCCA - Bộ Công Thương) khuyến nghị các DN kinh doanh, sản xuất, phân phối có thể tham khảo những phương thức thực hiện như sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối; tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế “làm đầy” - khuyến khích người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm…

Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần hoặc những sản phẩm khó phân huỷ, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho cả người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi; không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên, vật liệu…

Thực tế, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C… luôn có sẵn túi vải để người tiêu dùng lựa chọn làm sản phẩm thay thế túi nylon, vừa thân thiện môi trường, vừa tái sử dụng. Chiến dịch tiêu dùng xanh cũng được nhiều doanh nghiệp bán lẻ thúc đẩy.

Rồi một loạt hệ thống siêu thị lớn, nhỏ như: Saigon Co.op, Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food,… đã tiên phong sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thay cho túi nilon ở Việt Nam. Sau đó, đã tạo thành một làn sóng lan truyền ra khắp các hệ thống siêu thị như Co.op Food, SaiGon Co.op, Lotte Mart trên cả nước. Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội, Đà Nẵng cũng đồng loạt hưởng ứng và áp dụng.

An Phát Holdings đã tiên phong ngành nhựa Việt Nam sản xuất loại túi tự hủy. Sản phẩm tới nay đã được phát triển đến mức nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm là bột ngô có khả năng tự hủy trong vòng 1 năm sau khi chôn xuống đất. An Phát đặt mục tiêu phát triển nhanh mạnh, lấy bao bì tự hủy làm sản phẩm sản xuất và kinh doanh chủ lực trong tương lai theo xu thế tiêu dùng tất yếu của thế giới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và bán hàng sang các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Hay như Nhãn hàng Nestlé MILO, “ông lớn” trong ngành dinh dưỡng và thực phẩm, bắt đầu thử nghiệm sử dụng ống hút giấy cho dòng sản phẩm MILO Bữa Sáng từ tháng 3/2020, thay cho ống hút nhựa thông thường. Kể từ tháng 05/2021, nhãn hàng chính thức chuyển đổi sang ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền. Theo kế hoạch, nhãn hàng sẽ hoàn thành chuyển đổi ít nhất 90% sản lượng sản xuất dùng ống hút giấy vào cuối năm 2021, và hoàn thành chuyển đổi 100% sang ống hút giấy vào tháng 5/2022.

Và còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị cũng đã và đang trong quá trình hướng tới tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, hướng về một tương lai xanh-sạch-đẹp hơn.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh trách nhiệm để thích ứng với xu hướng “bền vững hóa” tiêu dùng giữa đại dịch COVID