Mỗi dịp 20/10 hay mồng 8/3, trong khi chị em miền xuôi nào khăn váy xênh xang, nào hội hè, chúc tụng, thì ở đâu đó nơi miệt rừng khuất nẻo, những người phụ nữ Mông, Dao, Tày, Thái vẫn cặm cụi mang dao, đeo gùi vào rừng, lên rẫy kiếm miếng ăn.
Đôi khi ước mơ của họ trong Ngày Phụ nữ Việt Nam chỉ là làm sao có một bữa no…
Cả đời cắm cúi
Khi đặt chân đến những miền rừng xa xôi, diệu vợi, đôi lúc tôi lẩm cẩm tự hỏi rằng ở nơi thâm sơn cùng cốc, cách xa với thế giới văn minh như thế này thì con người ta biết tìm đâu ra niềm vui sống? Liệu có một lúc nào đó họ cảm thấy tù túng, bức bối trước bịt bùng mây núi để rồi cố gắng cuồng quẫy hay không? Nhất là với những người phụ nữ, họ sẽ phải làm gì để thoát khỏi cảnh ngày ngày mò mẫm kiếm ăn nơi rừng thiêng nước độc, rồi đêm về lại gà gật bên nồi rượu sôi xình xịch trong xó bếp để phục vụ những đức ông chồng lười nhác với sương mờ non cao?
Hỏi là hỏi thế thôi, chứ nhiều khi câu trả lời đã có trong những con mắt cắm cúi cả đời không mấy khi dám ngước nhìn lên của người phụ nữ vùng cao. Dường như họ sinh ra đã được thượng đế trang bị sẵn cho khả năng cam chịu. Nó như một thứ bản năng. Cứ đời này qua đời khác, bản năng đó không hề phai nhạt. Tất cả phần nào khởi nguồn từ cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Nghèo ăn, nghèo mặc và nghèo cả chữ.
Sùng Thị Gianh luôn ước mơ nhà có đủ gạo ăn
Đã có rất nhiều phương cách được đưa ra nhằm cứu giúp đồng bào miền núi thoát nghèo, như đưa giáo viên lên cắm bản, mời cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn bà con kỹ thuật cây trồng. Nhưng, thành quả đạt được còn nhiều hạn chế. Con chữ đã được gieo xuống trên nhiều miền đá, nhưng ấm no, hạnh phúc hay thoát khỏi kiếp nghèo vẫn là một cái gì đó quá xa vời.
Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa, đồng bào vẫn quan niệm rằng đàn ông cưới được vợ chả khác gì trong nhà vừa tậu con trâu tốt. Từ chuyện thêu thùa, nương rẫy đến sinh đẻ, nuôi con, mọi gánh nặng đều dồn lên lưng người phụ nữ. Dường như suốt một đời làm vợ, làm dâu, họ phải luôn nhẩm trong đầu hai từ “cam chịu” và “chấp nhận”. Sống lầm lũi mỏi mòn bên bếp lửa, ruộng thang. Có khi nào lẩn khuất trong sự chịu đựng là nỗi khát khao được sống cho bản thân dù chỉ một lần. Dù có khao khát như thế, nhưng hết tháng này qua năm khác, bất kể ngày thường hay ngày Phụ nữ Việt Nam, họ vẫn phải lặng lẽ mang dao, đeo rìu vào rừng, lên rẫy kiếm cái ăn.
Đó là chưa kể đến nạn tảo hôn hay bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra ở nhiều xã bản vùng cao. Có những cô gái vừa mới 15,16 thậm chí 13, 14 tuổi đã vội vã lấy chồng. Vợ chồng “mũi dãi”, khó tránh được nhiều chuyện dở khóc dở cười. Đói nghèo, thiếu khó lại cộng thêm sự thiếu hiểu biết về nhiều mặt, chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống càng dễ đẩy “những bà vợ, bà mẹ trẻ” ấy vào bi kịch.
Cách đây ít lâu, tôi có đến Pú Nhi, một xã vùng sâu vùng xa của huyện Điện Biên Đông (Điện Biên). Hôm đó, sau khi vượt qua mấy chục cây số đường núi từ thành phố Điện Biên Phủ, tôi lên đến nơi cũng vừa đúng giờ cơm trưa nhưng lác đác chỉ vài nhà lên khói. Trưởng bản Pú Nhi A Sùng A Lý bảo: “Đi rừng hết rồi, có gì ăn đâu mà nổi lửa!?”. Nhà đói nhất bản là nhà Sùng Thị Gianh. Nhà Gianh, mái tranh vọc vạch, cửa lớn cửa bé mở thông thống, gió lồng lộng thốc vào, tường vách rách tả tơi, ngửa cổ thấy lốm đốm trời. Nhìn kỹ, chỉ có bộ ván đằng trước, chỗ dùng để tiếp khách là lành lặn.
Gianh vừa bước qua tuổi 32, người còm cõi, phất phơ như cái dải khoai, duy chỉ có cái bàn chân là to, ngón ngón xòe ra như người Giao Chỉ. Tuy mới lấy chồng được hơn chục năm, nhưng cô cũng đã kịp có đến 7 mặt con. Cả 7 đứa con Gianh, đứa nào đứa nấy đều đen đúa, cóc cáy, thịt da ngoang nguếch như nhau. Trong khi Gianh vừa địu cậu con trai út mới vài tháng tuổi, vừa đánh vật với đám lúa trên nương, thì chồng May, Vừ A Sủ đang ngúc ngoắc bên chai rượu đã vơi đi hơn nửa. Cả đời Gianh, chưa từng bước qua đỉnh núi trước nhà.
Một người đàn bà nuôi đến 9 miệng ăn, có tài mấy cũng khó bề kham nổi. Nhà Gianh rơi vào cảnh thiếu đói triền miên. Đói đến mức tất thảy mấy đứa con lớn ngày nào cũng vào rừng, bất kể nắng mưa. Rừng cạn kiệt, chúng lại tha thẩn quanh bản, nhặt bất cứ thứ gì có thể bỏ miệng và đi hóng hàng xóm mỗi độ cơm lên khói. Và, cũng thật khó lý giải là ngần ấy con người trong gia đình Gianh buổi tối sẽ nằm thế nào để ngủ khi nhà không chiếu, không giường?!
Trưởng bản Sùng A Lý gãi đầu gãi tai bảo, ở đây nhà nào chả thế! Bởi, cái khó là ở chỗ từ ngàn năm nay, đồng bào ở đây không có khái niệm vườn tược. Tất cả sinh nhai đều trông cả vào mấy nương lúa mà đá nhiều hơn đất. Còn vườn, thứ cây trồng duy nhất của họ là những cây gừng và cỏ dại. Thế cho nên, gừng cùng với ớt là thứ gia vị thường thấy trong những bữa ăn.
Sống buồn thảm giữa mây mù
Gianh làm tôi nhớ đến Và Thị Mỷ. Mỷ quê Sa Pả, một xã nhỏ nằm sát “thiên đường du lịch” Sa Pa (Lào Cai). Nhà Mỷ cũng nghèo, cũng tranh tre vọc vạch, nhưng Mỷ đẹp. Thật khó để hình dung, Mỷ đã lớn lên, đã khoe sắc trên cái vùng đất mà cách đây mới vài năm, đường vẫn khảm lơ lơ giữa núi rừng, đường chỉ bé bằng bụng ngựa. Vậy mà Mỷ vẫn xinh đẹp và toả hương trên đá. Có một cái gì hơn cả nhan sắc lan toả từ cô gái người Mông.
Và, cũng như bao thiếu nữ con nhà sơn dân khác, 16 tuổi Mỷ lấy chồng. Chồng Mỷ, một gã trai lực điền nhiều sức vóc. 6 năm làm vợ, Mỷ sinh liền 3 đứa con. Miếng cơm, manh áo ghì sát đất biến Mỷ thành người đàn bà khác. Lâu lắm rồi cô không còn nghe dân bản khen mình đẹp. Đến chiếc gương con mua chợ huyện ngày chuẩn bị lấy chồng, Mỷ cũng giấu dưới đáy hòm. Nó như hạt thóc bị bỏ quên. Và nhan sắc của Mỷ, đã dần bị chôn vùi trong những khoảnh nương xa ngút ngàn trên biển đá.
Ở Sa Pả, quê Mỷ, khi người con gái về nhà chồng, ngoài trách nhiệm sinh đẻ ra những đứa trẻ nối dõi tông đường, họ còn phải quán xuyến hầu khắp mọi công việc trong nhà. Từ nồi cám chăn lợn, bó cỏ cho bò, đến việc đi rừng hái măng, hái nấm…, có khi từ sáng sớm đến tối mịt họ cũng chả nhớ rằng mình đã làm những việc gì. Hơn nữa, bởi khi cưới Mỷ về làm vợ, gia đình nhà chồng đã phải vay mượn, chạy vạy rất nhiều. Thế nên giờ Mỷ phải gánh trách nhiệm “kéo cày trả nợ”.
Kể từ khi bước chân về nhà chồng, Mỷ hiếm khi được đi chợ huyện
Từ mấy năm nay, trong bữa ăn của gia đình Mỷ thì cơm, chứ chưa nói đến thịt, vẫn là thứ gì đó xa xỉ. Dăm bữa nửa tháng, khi có công việc gì cần đến tiền, Mỷ mới dám cầm con gà hay gùi ít măng xuống thị trấn Sa Pa bán cho khách du lịch. Và trường hợp như Mỷ ở Sa Pả cũng không phải là cá biệt. Bởi, người ở đây xưa nay sống dựa cả vào ông giời. Mưa thuận gió hòa thì có ngô để ăn đủ trong vài tháng, còn đâu là… giáp hạt. Những đứa trẻ thịt da ngoang nguếch lang thang cửa rừng, kiếm được gì ăn nấy. Không có thì nhịn. Còn những đứa “lanh” hơn thì suốt ngày gùi hàng, cõng em đeo bám khách du lịch dưới thị trấn Sa Pa. Khi đặt chân đến “thiên đường du lịch” này, không ít người đã phải chứng kiến thế giới cùng khổ, lấm láp của những đứa trẻ người dân tộc.
Năm nào cũng vậy, người ta hô hào gom nhặt, vận động cha mẹ các em cho con mình đến lớp, ấy vậy mà chỉ được vài bữa, những đứa trẻ nhem nhuốc lại lếch thếch đeo bám khách đầy đường. Chuyện học của mấy đứa con Mỷ cũng thế. Mấy lần cô giáo cắm bản đến nhà bàn chuyện cho thằng lớn ăn học, Mỷ chỉ im lặng nhìn mãi, nhìn sâu vào bức tường trình đất. Cô giáo lặng lẽ ra về.
Thế cho nên, đã có lần tôi được một cô giáo cắm bản ở Sa Pa nói rằng, sự nghiệp khai trí ở miền núi, ở vùng sâu vùng xa, vì thế, phải bắt đầu bằng việc đánh vật với cái đói, bằng việc xóa đi sự hoang dại trong ánh mắt những đứa trẻ, rồi mới đến việc dạy. Bởi, suy cho cùng, khi người ta đói, người ta chỉ nghĩ đến việc làm no cái bụng, ngay cả trong những cơn mơ.
Tính đến giờ, đứa con nhỏ nhất của Mỷ cũng gần 3 tuổi. Hàng ngày, thứ đồ chơi duy nhất của nó là cái bậu cửa mà mỗi khi trời mưa lại nhão nhào đất đá. Còn 2 đứa lớn, chúng cũng chưa hề có thói quen đi dép. Những bàn chân trần nhỏ bé ngày qua ngày vẫn xéo òm ọp trên bùn đất, mặc mây mù giăng bủa, mặc giá rét kim châm.
Có thể nói rằng, cuộc sống của Mỷ, của Gianh, cũng như của trăm ngàn người phụ nữ dân tộc khác trên những miền rừng khuất nẻo là rất khó để người ta có thể hình dung. Lặng lẽ, kiên trì, nhẫn nại. Cuộc đời họ không buồn, không vui, cứ chảy trôi một cách chầm chậm trên biển đá.