Kiên quyết, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực

Mai Thoa| 30/06/2022 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị toàn quốc tống kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sáng nay (30/6).

1_bnd_5754_1-1656561248107.jpg

Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn rất nghiêm trọng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) Phan Đình Trạc báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản có sơ hở pháp luật.

Đặc biệt, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021), các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra (tăng hơn 3 lần so với các năm trước).

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.

Cũng theo đồng chí Phan Đình trạc, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Đặc biệt thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

6_bnd_5686-1656561248732.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  Phan Đình Trạc trình bày báo cáo tại hội nghị.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.”

Kiên quyết không khoan nhượng với tham nhũng

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, người dân đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, mà hoàn toàn ngược lại.

Tổng Bí thư khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Cũng nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Kết quả này cũng bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là, một số đơn vị chưa quyết tâm cao, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ là khâu yếu; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội.

Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Do vậy, cần phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt; người đứng đầu chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm trong đơn vị, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, các cơ quan phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, những thói hư, tật xấu, suy thoái về phẩm chất, đạo đức; tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công; chặn tình trạng biếu xén cho, tặng, hối lộ tiền tài, của cải, vật chất với động cơ không trong sáng.

bnd_6064-1656566545385.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo Tổng Bí thư, tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực thời đại, chế độ mà quốc gia nào cũng có và không thể xoá tận gốc trong thời gian ngắn được, nên phải kiên trì. Dù vậy, việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Để làm được điều đó, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, khoảng trống, kẽ hở pháp luật để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng phải được chú trọng, áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn thanh tra đến khi thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân hay sự cám dỗ nào. Song hành với đó cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực