Môi trường

Kiên Giang: Vận hành toàn bộ cống ngăn mặn

Minh Triết 12/03/2024 - 19:03

Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang vừa phát cảnh báo, từ ngày 11-20/3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã vận hành đóng các cống ngăn mặn trên địa bàn để hạn chế mặn xâm nhập.

z5242351384785_ee5cf063e1c51e97196abc97c07a154b.jpg
Kiên Giang đồng loạt vận hành cống ngăn mặn để phòng chống xâm nhập mặn

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, độ mặn cao nhất đo được trong ngày tại khu vực cửa sông có xu hướng tăng lên, có khả năng đạt độ mặn cao nhất từ ngày 13 – 16/3. Thời gian xuất hiện độ mặn cao nhất trong ngày từ khoảng 4 giờ - 11 giờ.

Trên sông Cái Bé, độ mặn đo được 4‰, xâm nhập sâu 18 - 20km; độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 24 - 26km (gần cuối xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰, xâm nhập sâu 48 - 52km (đến gần giữa xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao); độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 55 - 57km (gần cuối xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao).

Độ mặn từ hướng sông Cái Bé qua Vàm Bà Lịch vẫn xâm nhập mạnh vào kênh Cái Sắn vào thời kỳ triều cường do âu thuyền Vàm Bà Lịch chưa vận hành. Trên kênh Cái Sắn, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu tới cầu Bầu Thì, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành; độ mặn 1‰ xâm nhập sâu tới cầu Chung Sư, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành.

Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Việt, hiện Chi cục Thủy lợi đã cho đóng toàn bộ các cống trên địa bàn chỉ trừ cống số 1 trên địa bàn TP Rạch Giá; âu thuyền Vàm Bà Lịch trên địa bàn huyện Châu Thành để phục vụ giao thông thủy.

Từ ngày 14 – 17/3, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Miền Nam cũng tiến hành vận hành hệ thống thủy lợi lớn nhất khu vực là Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô để điều tiết nguồn nước, giảm xâm nhập mặn.

Theo rà soát, thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, ước toàn tỉnh có khoảng 30.000 hộ dân có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, tính đến thời điểm này, huyện chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất do xâm nhập mặn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với huyện là thiếu nước sinh hoạt cho người dân tại vùng ven biển và các xã đảo.

anh-minh.jpg
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, mùa khô năm nay Kiên Giang ước có khoảng 30.000 hộ thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn trong mùa khô 2023 - 2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung tại các xã Vân Khánh Đông, Vân Khánh (huyện An Minh); đầu tư bồn trữ nước xã đảo Hòn Nghệ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng có phương án hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa chứa nước dung tích 0,5 - 1m3 và hóa chất xử lý nước khẩn cấp cho các hộ dân ở khu vực phân tán, vùng khó khăn về nước sạch.

Tuy nhiên, do mức đầu tư thấp, các vùng thiếu nước ngọt là do giếng khoan bị nhiễm phèn, mặn, nước mặt bị xâm nhập mặn không sử dụng được nên số hộ còn thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô còn cao, tập trung tại các cụm, tuyến dân cư ven biển và hải đảo thuộc các huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Kiên Lương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Vận hành toàn bộ cống ngăn mặn