Ngày 25/8, Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Qua đánh giá, các thành viên của Tổ công tác cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ KH&ĐT về thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ rất lớn, cao hơn nhiều so với các Bộ, cơ quan, địa phương khác, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, Bộ KH&ĐT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong chương trình cũng như giao bổ sung. Các nhiệm vụ do Bộ KH&ĐT tham mưu, đề xuất đều thể hiện tính nhất quán quan điểm đổi mới, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp kịp thời trong điều hành kinh tế vĩ mô, thực hiện định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực phục vụ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng Bộ KH&ĐT hoàn thành không đúng hạn. Tại cuộc làm việc, Tổ công tác và Bộ KH&ĐT đã tập trung trao đổi về 15 nhiệm vụ theo thống kê đã quá hạn nhưng Bộ KH&ĐT chưa thực hiện, làm rõ nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm.
15 vấn đề mà không thấy có lỗi gì là không được
Về 15 nhiệm vụ quá hạn của Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các vụ, cục, viện báo cáo trung thực, cầu thị, nếu là lỗi chủ quan phải nghiêm túc nhận và rút kinh nghiệm, khắc phục, nếu do lỗi khách quan, do việc phối hợp của các bộ, ngành khác thì phải chứng minh bằng văn bản. “Toàn bộ 15 vấn đề mà không thấy có lỗi gì là không được”, Bộ trưởng tỏ thái độ nghiêm khắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giải trình, nêu ra hướng giải quyết trong thời gian tới về từng vấn đề, các đơn vị của Bộ KH&ĐT cho biết một số nhiệm vụ rất lớn, khó, liên quan tới nhiều lĩnh vực, dẫn tới chậm tiến độ. Chẳng hạn, nhiệm vụ nghiên cứu mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện, hiện đã chậm 19 ngày. Hay như Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện đã chậm tiến độ 49 ngày.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận “với những vấn đề lớn, mới, khó, liên quan đến nhiều bộ ngành, không làm được thì phải báo cáo lại ngay, xin phép lùi thời hạn rõ ràng chứ không thể ngâm mãi như vậy. Phải rút kinh nghiệm”. Ông yêu cầu xin phép làm việc sớm với lãnh đạo Chính phủ để giải quyết.
Bên cạnh đó, có những việc chậm do sự phối hợp của các bộ, ngành, như việc bố trí vốn thực hiện các dự án thủy lợi, cấp nước sạch cấp bách ứng phó hạn mặn ở các tỉnh phía Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều này khiến ông rất sốt ruột, “nay hạn mặn đã sắp sang chu kỳ mới rồi mà chưa tỉnh nào nhận được một đồng nào”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc này phải được xử lý cấp bách, “chứ cà phê, hồ tiêu gặp hạn thì chết ngay”. Đáp lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT đã thống nhất được quan điểm, ngay đầu tuần tới Bộ sẽ trình Thủ tướng.
Một nhiệm vụ khác rất quan trọng là xây dựng Nghị định sửa nhiều nghị định để giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, hiện đã chậm tiến độ 18 ngày. Theo Vụ Pháp chế của Bộ KH&ĐT, việc xây dựng Nghị định này không cần thiết nữa vì Chính phủ đang có chủ trương một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình và chỉ rõ, đây vẫn là nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT. “Có luật mới vẫn phải cần nghị định mới. Cần rà soát lại ngay. Thủ tướng đã chỉ đạo, kể cả có nghị định mới rồi, nếu vẫn còn giấy phép con bất hợp lý thì vẫn quyết tâm sửa. Không câu nệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc chậm trễ nguyên nhân chủ quan là chính
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá qua làm việc đã chỉ ra được nguyên nhân các nhiệm vụ quá hạn, Bộ KH&ĐT và các đơn vị đã nhận trách nhiệm rất rõ. Điều này cho thấy hiệu quả của Tổ công tác.
“Mặt tích cực rất nhiều, nhưng đề nghị Bộ hết sức nghiêm túc, thực hiện đúng tinh thần của Thủ tướng. Làm sao đừng để người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng đợi. Có lần Thủ tướng nói với tôi, ra Bộ kia xem có bao nhiêu doanh nghiệp đang xếp hàng ở đó?”
Bộ trưởng khẳng định có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan vẫn là chính. Bộ KH&ĐT phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới tất cả các cán bộ, công chức, là xóa bỏ mọi rào cản với doanh nghiệp, với người dân, hết sức đổi mới phương thức làm việc. Khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan gây chậm trễ.
Đối với việc phối hợp giữa các bộ, ngành hiện còn không ít vướng mắc, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế làm việc mới, chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp, với tinh thần là nhanh hơn, ít thời gian hơn, nếu không trả lời coi như đồng ý.
Mặt khác, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, có những vấn đề VPCP cần nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm, như việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ phải “ra đúng đầu bài”, giao đúng nhiệm vụ cho các cơ quan. Hay việc cụ thể như văn bản gửi ngày 23/8 nhưng tới 24/8 đã hết hạn trả lời, cũng cần phải chấn chỉnh.
“Chúng tôi sẽ cáo báo cáo đầy đủ tới Chính phủ, tới Thủ tướng. Đây là nhiệm vụ rất mới, rất va chạm, nhưng được Thủ tướng giao, giả sử có va chạm thì cũng là vì việc chung của Chính phủ, của đất nước. Phải nhận thức rõ như vậy”, lời chia sẻ của Bộ trưởng nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt của tất cả các đại biểu dự cuộc làm việc.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết sẽ khẩn trương giao lại thời hạn cụ thể cho từng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ quá hạn. Đồng thời, sửa lại ngay quy chế làm việc theo hướng tăng cường hơn trách nhiệm người đứng đầu – vấn đề vẫn còn nhẹ, còn yếu trong quy chế cũ.