Kiểm soát chặt đầu tư và nợ công, đảm bảo an ninh tài chính

Mai Thoa| 01/11/2016 22:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên thảo luận tại hội trường về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.

Nhiều dự án lãng phí, “đắp chiếu”

Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương 1.120 nghìn tỷ đồng, trong đó: Dự phòng (chưa phân bổ) 112 nghìn tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn ngân sách Trung ương để xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Đầu tư công; vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương: 880 nghìn tỷ đồng.

Đầu tư công giai đoạn này là cần thiết, song Chính phủ cũng đã nêu ra những khó khăn hiện tại. Đó là, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn, nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn so với giai đoạn trước. Kế hoạch 2016-2020 chỉ bố trí được khoảng 40% vốn ngân sách Trung ương cho 21 chương trình mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 73/NQ-CP/2016 của Chính phủ. Chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối của đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương trong điều kiện các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục tăng lên trong khi cân đối nguồn vốn lại bị giảm xuống. Và, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm chưa cân đối được vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 do khả năng cân đối nguồn vốn hạn hẹp.

 Ủy ban TCNS của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng kế hoạch ĐTCTH phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phải gắn với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Trong bối cảnh NSNN và thực trạng nợ công hiện nay, việc xây dựng kế hoạch ĐTCTH phải phù hợp với khả năng cân đối từ nguồn NSNN, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, dự báo chính xác tác động của kinh tế thế giới liên quan đến khả năng huy động nguồn vốn nước ngoài, bảo đảm các cân đối vĩ mô, đặc biệt phải giữ vững an toàn nợ công, giảm bội chi ngân sách.

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, đầu tư công đã góp phần cải thiện và phát triển vượt bậc hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Trong thời gian qua, từ nguồn vốn đầu tư công, nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy tác dụng tốt, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiệu quả vẫn chưa cao, vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực…

ĐB Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) dẫn chứng, có không ít dự án đầu tư công hàng nghìn tỷ đồng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” không có khả năng thu hồi vốn, như đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam - Long An, nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất… Nhiều dự án đã được đầu tư với một lượng vốn rất lớn lấy từ ngân sách nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội...

Kiểm soát chặt đầu tư và nợ công, đảm bảo an ninh tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chất lượng công tác chuẩn bị, thẩm định dự án còn thấp. Nhiều dự án chưa được chuẩn bị kỹ đã được phê duyệt để đưa vào ghi vốn đầu tư, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm, dự toán không đủ phải điều chỉnh nhiều lần không có nguồn vốn đầy đủ dẫn đến kéo dài thời gian đầu tư, làm tăng chi phí, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, nhiều dự án do buông lỏng quản lý quá trình đầu tư xây dựng, sử dụng quy trình kỹ thuật và các trang thiết bị lạc hậu dẫn đến thất thoát tiền vốn trong quá trình triển khai. Vì vậy, đã đến lúc phải nghiêm túc chỉ ra và làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình phê duyệt, sử dụng đầu tư công, ĐB Cường nêu quan điểm.

Ủy ban TCNS cũng cho rằng, việc phân bổ vốn phải đúng đối tượng, phù hợp với nguồn lực tài chính, khả năng cân đối từ nguồn NSNN; hệ thống tiêu chí phải cụ thể, công khai, minh bạch, hợp lý; việc sử dụng vốn đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4% GDP.

Giám sát chặt chẽ việc đầu tư sử dụng vốn vay

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh đến ý kiến của các ĐB, đó là, trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, tiệm cận với ngưỡng cho phép, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia và tình hình giải ngân vốn vay còn nổi lên nhiều bất cập, hạn chế thì cần thắt chặt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến vấn đề này.

Trước đó, một số ĐB đã bày tỏ lo lắng khi nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn và đề nghị làm rõ nguyên nhân tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nhận định nợ công tăng nhanh và lo lắng của các vị ĐB là đúng. Qua theo dõi cho thấy, nợ công 2001 là 36,5% GDP, 2005 là 40,8% GDP, đến 2010 là 50% và 2015 đã là 62,2%GDP. Quy mô nợ công 2015 khoảng 2,68 triệu tỷ đồng gấp 2,3 năm 2010 và 4,8 lần 2011. Tốc độ tăng nợ công 2011 - 2015 bằng 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là 5,91%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Đại hội Đảng XI nêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7 - 7,5% nhưng sau đó, Quốc hội đã quyết định mục tiêu GDP 6,5 - 7% một năm. Mặt khác, trong thực hiện giá trị GDP không đạt như dự toán, làm tỷ lệ nợ công tăng lên (năm 2015 nợ công tăng thêm 0,9% so với GDP dự toán). Nguyên nhân thứ hai là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng đều không đạt yêu cầu trong khi 5 năm qua giảm thu để thúc đẩy sản xuất, giá dầu thô giảm...

Phần chi ngân sách, chi thường xuyên đã lên tới 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước và chi cho con người tác động đến 7/10 của tăng chi thường xuyên. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng, về đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, xoá đói giảm nghèo... trong giai đoạn này Chính phủ đã trình Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ 2012 -2014 thêm 225.000 tỷ, 2014 - 2016 thêm 170.000 tỷ, tăng tỷ lệ bội chi ở mức cao để tăng cho đầu tư phát triển. 

Giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách và sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công. Hiện, Bộ Tài chính đang rà soát lại chiến lược nợ công và chính sách về thuế theo Đề án đảm bảo an toàn nợ công và việc này đã báo cáo Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, sẽ tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước (tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công) và giảm dần nợ nước ngoài. Thời điểm này, nợ trong nước đã lên hơn 50% và nợ nước ngoài có 43%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt đầu tư và nợ công, đảm bảo an ninh tài chính