Những ưu đãi về chính sách cùng với sự phát huy nội lực đã và đang khiến bộ mặt Huổi Trẳng mỗi ngày một khác. Và Tết này, đồng bào dưới chân đỉnh Pú Sung lại có nhiều lý do để mở hội mừng xuân, mừng năm mới, mừng cho cuộc sống ngày càng no ấm.
Cũng như nhiều bản ven sông Đà khác phải di dời đến nơi ở mới vì nằm trong lòng hồ Thủy điện Sơn La, người dân Huổi Trẳng đã phải hy sinh nhiều thứ, từ đất đai hương hỏa đến mồ mả cha ông. Song nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đời sống của đồng bào đã bớt đi nhiều thiếu khó.
Những ưu đãi về chính sách cùng với sự phát huy nội lực đã và đang khiến bộ mặt Huổi Trẳng mỗi ngày một khác. Và Tết này, đồng bào dưới chân đỉnh Pú Sung lại có nhiều lý do để mở hội mừng xuân, mừng năm mới, mừng cho cuộc sống ngày càng no ấm.
Bỏ cuốc cày, bắt tay chài lưới
Chúng tôi tỉnh giấc khi bóng đêm đang rút dần, nhường lại thứ ánh sáng bợt bạt của buổi sớm đầu đông. Mây mù đặc quánh như một chiếc lồng hấp chụp lên khu tái định cư Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Chợt nhớ lời dặn của trưởng bản Quàng Văn Tấn: “Muốn xem chợ cá thì phải dậy sớm xuống bến sông…”, mấy anh em thấp thểnh lên đường. Sương mù còn giăng kín mặt sông Đà, mặt nước sẫm đen bóng núi. Lạnh cắt da. Một vài xuồng máy và thuyền đánh cá cỡ nhỏ cập bến từ sớm, đã buộc neo, gác chèo giờ thảnh thơi bập bềnh theo sóng nước. Chủ nhân của chúng giờ này chắc đã trở về bản chuẩn bị dùng bữa sáng bên bếp lửa rực hồng, bù đắp năng lượng sau một đêm đông buốt giá giăng vó đánh bắt cá sông.
Trưởng bản Quàng Văn Tấn (bên trái): “Huổi Trẳng từng bước thoát nghèo nhờ nghề cá”
Khi mặt trời chưa kịp thắp nắng trên sườn núi thì thuyền đánh cá đã nô nức cập bến, tấp nập người mua, kẻ bán. Đủ các loại cá: lăng, chép, trắm, măng, chày, tôm và rất nhiều loại cá nhỏ khác. Cá nhỏ, cá tạp thì đổ ngay dưới lòng thuyền, cá to được đựng vào sọt, nồi quân dụng. Một con cá trắm quá khổ so với mấy dụng cụ chứa nên người ta phải xỏ dây thừng qua mang rồi thả xuống nước kéo theo phía sau thuyền.
Mặt trời càng sáng rõ, số lượng thuyền cập bến càng đông. Nụ cười rạng rỡ của những ngư dân trên thuyền báo hiệu sự “thắng đậm” của bạn chài qua một đêm dầm mình trong buốt giá giăng vó đánh bắt cá sông. Liềm Văn Chải, một chủ xuồng vừa cập bến, bước vào căn chòi cất trên bè tre của anh trai Liềm Văn Hưng, uống cạn cốc nước chè nóng đặc sánh rồi hồ hởi kể về những mẻ lưới đêm qua. Hóa ra, phương thức đánh bắt của những ngư dân nơi cuối trời Tây Bắc này đơn giản hơn người ta tưởng rất nhiều. Ba hộ chung nhau đầu tư một chiếc vó, mà người dân nơi đây gọi là vó tời, ước tính có giá gần 10 triệu đồng. Vó có khung, gọng bằng tre, với diện tích 400-500m2, dìm sâu 9-10m dưới mặt nước, một bộ tời quay tay, bình ắc quy, bóng điện. Khi bóng tối buông dày trên mặt nước, bóng điện sẽ được thắp sáng lung linh giữa vó.
Những chuyến hàng sắp sửa vượt núi
Nguồn sáng ấy có sức hấp dẫn các loại cá lại gần, đồng thời hấp dẫn cả các loại côn trùng tụ đến rồi rơi xuống nước trở thành mồi tự nhiên cho cá. Khi áng khoảng vó đã khẳm, người ta hò nhau quay tời cất vó lên khỏi mặt sông. Mỗi đêm như vậy, trung bình mỗi vó đánh bắt được vài chục kg cá. Có đêm trúng đậm, thu được cả tạ cá. Khi bóng đêm tan hẳn cũng là những thùng cá, sọt cá tươi rói yên vị trên những chiếc xe máy tỏa về chợ huyện và các xã lân cận, kết thúc một đêm giăng lưới đánh bắt cá sông của ngư dân Huổi Trẳng.
Trưởng bản Quàng Văn Tấn chia sẻ, mấy năm gần đây, đời sống bà con Huổi Trẳng dần trở nên khấm khá. Có nhà to, có điện lưới, nhà nào cũng có xe máy, việc thiếu ăn, đói giáp hạt đã lùi vào dĩ vãng. Để có sức bật cho cuộc sống mới ấy là bắt đầu từ việc di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Cũng như nhiều bản ven sông Đà khác phải chuyển đi nơi ở mới vì dòng điện quốc gia, người dân Huổi Trẳng cũng đã hy sinh nhiều thứ, trong đó có quê hương bản quán. Song bù lại, dòng nước thâm giao bao đời với bà con ấy cũng tạo ra nhiều tiềm năng, điều kiện để bà con khai thác, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nhiều người vẫn xem kho báu của sông Đà là vàng sa khoáng và những kim loại quý khác, còn tôi lại cảm nhận rằng: với những người dân Huổi Trẳng thì báu vật nằm trong vó của họ. Khai thác thuỷ sản sẽ là một trong những lời giải khả quan nhất cho bài toán thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo không chỉ cho người dân tái định cư mà tất cả thôn, bản ven sông Đà.
Phải rời bỏ bản cũ, nơi bao đời ông cha sinh sống, hầu như ai cũng cảm thấy xót xa. Nhưng, nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn chìm trong bụng nước…, dân bản đành động viên nhau di dời. Chuyển đến nơi ở mới, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, xây dựng thủy lợi, hỗ trợ tiền đền bù di chuyển, tái định cư, đời sống bà con đã bước sang trang mới.
Nỗ lực thoát nghèo
Chúng tôi đi một vòng thăm bản mới tái định cư Huổi Trẳng. 70 hộ dân quần cư trên triền núi, phía dưới là dòng sông Đà dạt dào sóng nước. Những ngôi nhà sàn khang trang, mái lợp prôximăng hoặc tôn đều tăm tắp như bàn cờ. Nhà nào cũng có bể nước sinh hoạt, vườn rau với các loại rau cải, su hào, bắp cải, hành tỏi, rau thơm xanh mướt. Ấn tượng nhất là hầu hết các gia đình không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nữa.
Như một “hướng dẫn viên”, anh Tấn vừa đi vừa thuyết minh: Hiện nay, cả bản có 20ha ruộng 2 vụ, 20ha ngô, 12ha lúa nương. Tuy diện tích chưa nhiều lắm nhưng bù lại lúa chiêm ở đây cho năng suất tuyệt vời, đặc biệt với giống lúa nghi hương năng suất đạt 84 tạ/ha. Chính vì thế nên Huổi Trẳng không còn hộ nào thiếu thóc, gạo. Hiện nay, Huổi Trẳng đã có một số “đại gia” như Điêu Chính Đức, Tặng Văn Sơ kinh doanh hàng hóa, nông sản và dịch vụ chở khách, chở hàng trên sông Đà cho thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/năm.
Trên thực tế, hầu như nhà nào ở Huổi Trẳng giờ đây cũng sinh sống bằng nghề cá. Đâu đâu cũng thấy treo từ 1 đến vài chiếc lưới, những sợi cước sáng lấp lóa. Trưởng bản Tấn “thuyết minh”: “Giờ người dân ở đây đã không còn chuyện phá rừng, đốt rẫy làm nương, họ đã dần chuyển sang đánh bắt tôm, cá sông Đà. Ngoài cung cấp thực phẩm dồi dào cho bữa ăn hàng ngày, lượng cá dư thừa đem bán lại cho tư thương đến mua ngay tại bến sông, thu nhập trung bình cũng khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày”.
Chúng tôi ghé thăm nhà Lò Văn Tiện. Tiện đang làm hàng rào quanh ngôi nhà mới. Năm nay Tiện 22 tuổi, 1 vợ 1 con, vừa tách ra ở riêng là quyết tâm làm nhà mới để kịp đón tết Nhâm Thìn. “Gỗ thì em chuẩn bị từ trước, chi phí thêm để làm ngôi nhà này khoảng 30 triệu đồng. Chúng em chuyển sang ở rồi nhưng một số hạng mục chưa xong, hai vợ chồng đang cố gắng hoàn thiện trước tết”, Tiện không giấu được vẻ phấn khởi và còn hẹn chiều đưa chúng tôi “du ngoạn” sông Đà.
Từ ngày hồ thủy điện Sơn La tích nước, đoạn sông Đà chảy qua địa phận 2 xã Huổi Só, Tủa Thàng không còn dữ dội với những ghềnh đá lởm chởm và xoáy nước đầy đe dọa nữa. Bây giờ mặt nước mênh mông như mặt hồ, lững lờ dưới chân núi Pú Sung. Thuyền ra xa bờ chừng 100m, Tiện đột ngột giảm tốc độ rồi nói với giọng đầy cảm khái: “Dưới chân các anh, chìm sâu hơn 100m nước là bản cũ Pắc Na. Ruộng nương, nhà cửa, mồ mả ông cha của chúng tôi ở dưới đấy cả!”. Tôi chợt thấy một niềm bâng khuâng khó tả. Mới mấy năm trước thôi, vị trí này là nơi quần cư của dân bản Pắc Na với hơn 200 nóc nhà sàn dưới những cây cổ thụ rợp bóng. Bây giờ, bản xưa lối cũ mãi yên ngủ trong bụng nước. Nơi ấy, chỉ còn mặt nước mênh mông rực đỏ trong ánh hoàng hôn.
Một góc Huổi Trẳng
Chiều, Tiện đưa chúng tôi đi thăm những vó bè của bà con dân bản. Đây là phương tiện chủ công để người dân Huổi Trẳng khai thác nguồn lợi thủy sản sông Đà. Kinh tế nhiều hộ đã trở nên khá giả nhờ chiếc vó này. Chiếc thuyền sắt rẽ sóng lướt băng băng. Để có được chiếc thuyền máy này, Tiện đã phải đầu tư 60 triệu đồng. Người cháu của Tiện là Lò Văn Yến còn đầu tư 80 triệu đồng để đóng một chiếc thuyền to đẹp, hoành tráng hơn.
Cùng với 6 người khác trong bản có thuyền lớn như vậy, chú cháu Tiện, Yến không còn những ngày bươn chải mưu sinh mà đã và đang làm giàu trên sóng nước sông Đà. Chỉ mới có vài năm Tiện và Yến đã thuộc “nhóm giàu” của Huổi Trẳng. Câu chuyện về họ, những người chuyển cư như một khúc tráng ca của người dân Pắc Na. Họ đã mãi mãi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, vì dòng điện quốc gia, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mùa đông, trời miền núi tối rất nhanh. Trăng hạ tuần chếch trên đỉnh Pú Sung huyền ảo. Từ nhà sàn nhìn xuống, sau những ngọn lau đung đưa trong gió đêm, một khúc sông Đà với những khe núi, mỏm đá và những ngọn đồi ngập nước trông như một “tiểu Hạ Long” trên núi. Nhịp sống ở bản mới Huổi Trẳng đang từng ngày rộn rã, tự tin hơn. Và Tết này, bà con dân bản lại có nhiều lý do để mở hội mừng xuân, mừng năm mới, mừng cho cuộc sống ngày càng no ấm.