Cuối tháng 10, khi dã quỳ bắt đầu trải vàng thung lũng, chúng tôi đã có chuyến ngược ngàn về với Tủa Chùa, một huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên.
Ở đó, giữa điệp điệp trùng trùng núi rừng vây bủa, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang ngày đêm miệt mài lao động để đánh thức cả một miền đá mênh mông.
Hành trình chinh phục đá
Ở Tủa Chùa (Điện Biên), đá hiện hữu khắp nơi, song hành cùng đời sống của con con người. Đá trên nương, đá thấp thểnh mặt đường, đá chạy cả vào sân nhà, dưới gầm sàn, chạy vào những trò chơi con trẻ. Đá dồn đuổi con người ta từ nương rẫy vào trong cả những giấc mơ chập chờn, mộng mị. Thế nên, đá vừa là bạn, vừa là “đối thủ” của cộng đồng 7 dân tộc anh em: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá trong cuộc đấu tranh, chinh phục thiên nhiên để xây dựng cuộc sống ấm no. Đời nọ nối đời kia, người dân Tủa Chùa dùng tay trần, sức vóc chọi vào đá để mưu sinh.
Từ xưa đến nay, người dân Tủa Chùa phải sống chung với đá
Trước kia, Tủa Chùa được gọi theo tiếng Quan Hỏa là Tả Chải, nghĩa là cái bản to. Có lẽ vì ngày đó, khi thành lập châu Tủa Chùa (năm 1955 theo Nghị định 606/NĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ), Tủa Chùa chỉ có 8 xã, 43 bản với 8.410 người nên có tên gọi như vậy? Đến năm 1977, 3 xã Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè của huyện Tuần Giáo sáp nhập về huyện Tủa Chùa, nâng tổng số xã của huyện từ 8 lên 11 xã.
Nằm trên độ cao trung bình 800m so với mực nước biển với 683,66ha diện tích tự nhiên, chủ yếu là núi đá vôi, Tủa Chùa là một trong những huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của huyện là đỉnh núi Nam Quan thuộc xã Tả Phìn, nằm ở phía Bắc, cao 1.874m. Từ “nóc nhà” này, địa hình Tủa Chùa hạ dần độ cao về phía Nam, bị chia cắt bởi những dãy núi đá vôi và suối ngắn tạo thành các lòng máng, lòng thung hiểm trở. Bổ sung cho địa hình khắc nghiệt ấy là khí hậu chia 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa ướt át và mùa khô cháy nắng.
Từ khi thành lập đến nay, huyện lỵ Tủa Chùa đã trải qua hai lần “thiên di”. Lần đầu là vào tháng 12/1966, huyện lỵ chuyển từ Tả Phìn về xã Sính Phình. Sau 21 năm cắm chốt ở Sính Phình, tháng 4/1988, huyện Tủa Chùa chuyển về xã Mường Báng và 1 năm sau, thị trấn Tủa Chùa được thành lập.
Vừ A Lống, trưởng bản Huổi Lóng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, Điện Biên)
Có thể nói, Đại hội Đảng bộ huyện khóa X (1986) với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Tủa Chùa. Mặc dù các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội đề ra, nhưng đã tạo tiền đề quan trọng để Tủa Chùa tiến lên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, giai đoạn 1991 - 1995. Từ chỗ tổng sản lượng chỉ đạt 7.272 tấn năm 1990, đến năm 1995, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đã đạt gần 12.000 tấn, giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc. Diện tích gieo trồng tăng từ 8.500ha lên 9.000ha; phát triển được 96ha cây ăn quả; bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như: chè, trẩu ở Mường Báng, Xính Phình; mận tam hoa ở Trung Thu, Tả Phìn, Lao Xả Phình. Đồng thời, trong những năm qua, huyện đã cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo tại các trường của tỉnh và trung ương, nâng tổng số cán bộ có trình độ trung cấp đến đại học và sau đại học đạt xấp xỉ 70%. Đây là nền móng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tủa Chùa tiến lên một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cộng với ý chí kiên cường của các tầng lớp nhân dân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Tủa Chùa đã chuyển mình, làm nên những điều kỳ diệu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 10%, tỷ lệ đói nghèo mỗi năm giảm 5%; an ninh lương thực được đảm bảo, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư, đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Từ chỗ chỉ có đoạn đường ôtô duy nhất dài 33km nối Huổi Loóng vào trung tâm huyện lỵ (năm 1968), đến nay 100% xã của Tủa Chùa có đường ôtô đến trung tâm với tổng chiều dài gần 300km; 90% thôn, bản có đường xe máy; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, có điện lưới quốc gia. Toàn huyện hiện có 46 trạm TVRO, 7 đài tiếp sóng truyền hình, truyền thanh. Từ chỗ 93% dân số mù chữ những ngày đầu thành lập huyện, đến nay Tủa Chùa đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000, phổ cập giáo dục THCS năm 2008; các thôn, bản đều có lớp học mầm non và tiểu học.
Thức dậy một vùng đất hoang vu
Bây giờ, những cánh đồng lúa xanh tốt ở Mường Báng, Mường Đun, Chiếu Tính, Tà Là Cáo, Tả Sìn Thàng với hệ thống thủy lợi, mương phai tưới tiêu nước đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực của huyện đạt trên dưới 20.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt xấp xỉ 350kg/năm. Đậu tương được huyện xác định là một trong các loại cây xóa đói giảm nghèo; mỗi năm toàn huyện trồng 1.700ha, xuất ra thị trường trên 1.000 tấn đậu tương.
Một góc chợ Tả Sìn Thàng
Xuôi về các xã phía Nam của huyện khi chính vụ, những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt từ thung lũng lên sườn núi. Cữ tháng 3, xe chạy bon bon trên con đường phẳng phiu, rộng rãi từ Tủa Thàng đến tận bản Huổi Lóng, xã Huổi Só. Qua đèo Tà Huổi Tráng trắng muốt một màu hoa ban, phía dưới là dòng sông Đà hùng vĩ, cuộn sóng vỗ vào vách núi. Con đường phục vụ Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La này đã mang đến sự đổi thay cả về cơ sở hạ tầng và tiện nghi sinh hoạt cho bà con các thôn, bản nơi đây.
Kể từ khi có đường ôtô, Tủa Chùa đã xóa đi cái cảnh người dân phải đi bộ, vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng ngựa thồ. Cuộc sống của người dân Tủa Chùa hôm nay không còn tự cung tự cấp nữa mà đã thay đổi hẳn, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm, xóa nghèo bền vững cũng tăng nhiều. Có được điều này cũng là nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho Tủa Chùa dần xóa đói giảm nghèo, vươn lên no ấm.
Ngược lên các xã phía Bắc là tuyến đường vắt qua những dốc đá chênh vênh, dưới chân những nương ngô lởm chởm đá tai mèo. Trên nền xám xịt của đá, xập xòe nếp váy rực rỡ của thiếu nữ Mông đang kiên nhẫn, tỉ mỉ tra hạt giống vào từng hốc đá. Tuy gian nan vậy, nhưng ngô trồng ở những nương đá tai mèo này lại lên xanh tốt bời bời bởi lớp đất màu được đá giữ lại, không bị rửa trôi. Mỗi hạt ngô lắng đọng cả ý chí bất khuất và sự cần cù, chịu khó của người dân vùng cao.
Cũng chỉ ở vùng cao nguyên đá vôi Tả Sìn Thàng, Sín Chải này mới có loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho Tủa Chùa, đó là chè cổ thụ. Mùa thu hoạch, dân bản phải trèo lên cây hoặc phải bắc thang mới hái được búp chè. Chè cổ thụ có vị ngọt chát, nước đậm và hương vị đặc biệt được kết tinh từ sương sớm, sương chiều quanh năm bao phủ. Hơn một vạn cây chè cổ thụ, hàng năm cho thu hoạch khoảng 200 tấn chè búp. Với giá thu mua hiện nay là 5.000 đồng/kg búp tươi, mỗi năm đã đem lại gần một tỷ đồng cho người dân vùng chè.
Dưới chân những đồi chè cổ thụ ấy, chợ phiên Tả Sìn Thàng mỗi tuần họp một lần, bày la liệt những sản vật địa phương, rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Chợ phiên Tả Sìn Thàng không chỉ là nơi để trao đổi mua bán mà còn là chỗ người dân vui chơi, giao lưu; thanh niên nam nữ tìm bạn lứa đôi. Người đi chợ không hấp tấp, vội vàng, tranh thủ như ở dưới xuôi.
Vừ A Lống, Trưởng bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, chia sẻ: Nhờ sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền các cấp, giờ những hủ tục của đồng bào ở đây đã dần được xóa bỏ. Người dân đã quen dần với việc định canh, định cư, không đốt rừng làm rẫy, cuộc sống từng bước ổn định. Nhiều gia đình đã có tivi, xe máy, nuôi được nhiều trâu bò, khai hoang được nhiều ruộng trồng lúa nước, có ao thả cá, kinh tế ngày càng khấm khá. Đời sống nhân dân đổi thay, trình độ dân trí nâng lên, những phong tục cổ hủ tồn tại từ nhiều năm trước cũng không còn, như hủ tục về ma chay cưới xin; không nhờ thầy cúng, thầy mo “chữa bệnh” hay “làm lý” khi ốm đau; không du canh, du cư, không nghe theo lời xúi giục lời của kẻ xấu...
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Tủa Chùa đã đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn những thế mạnh chưa khai thác như tiềm năng khoáng sản phong phú với than ở Mường Đun; bôxít ở Tả Phìn; barit ở Sín Chải; đá vôi xi măng ở Trung Thu; đá vôi ốp lát ở Tả Sìn Thàng; các loại cây công nghiệp: Chè cổ thụ, cà phê, cây thả cánh kiến; cây ăn quả hay bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc. Đó chính là nội lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tủa Chùa xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp, tạo nên một diện mạo mới, tươi sáng hơn nơi biên cương Tổ quốc.
Nguyễn Đức Bảo