Khuất nẻo phía Đà giang

Nam Hoàng| 29/10/2016 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở biên giới Mường Tè, sông Đà bắt đầu ầm ào chảy vào nước ta, trở thành dòng sông thiêng che chở, bao bọc cho hàng chục dân tộc anh em khắp rộng dài Tây Bắc.

Khuất nẻo phía thượng nguồn là nơi sinh sống của người Cống, một trong những dân tộc “nhỏ bé” nhất Việt Nam, với số dân chưa đến 2.100 người. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay tích cực.

Lặng lẽ giữ gìn những mạch ngầm văn hoá

Theo các nhà nghiên cứu thì dân tộc Cống thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, không thuộc nhóm cư dân bản địa của Tây Bắc mà thiên di từ Lào sang đất Việt từ khá lâu, sống chủ yếu bằng hái lượm và làm nương rẫy. Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã đưa ra con số người Cống ở Việt Nam là 2.029 người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (1.134 người, chiếm 55,9% tổng số người Cống ở Việt Nam) và Điện Biên (871 người, chiếm 42,9%).

Tại Lai Châu, bà con sống chủ yếu về ở vùng bình địa phía Tây sông Đà và gần với các thị trấn, thị tứ nên điều kiện sống tương đối ổn định. Riêng tại Điện Biên thì cộng đồng này lại là chủ nhân của những bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới Việt - Lào nằm cách xa trung tâm tỉnh, huyện. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, giao thông cách trở, đi lại hết sức khó khăn nhất là mùa mưa lũ, có thời điểm gần như cách biệt với các vùng xung quanh. Với tỷ lệ đói nghèo chiếm 64,6% tổng dân số, có thể thấy chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số thấp đang đẩy dân tộc này đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là nguồn nhân lực không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bản Khao (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), nơi sinh sống của 71 hộ với 364 nhân khẩu người Cống, điều dễ nhận thấy là chòm bản này tương đối khang trang, ngăn nắp. Nom xa, bản yên bình như cô gái lặng lẽ gìn giữ những mạch ngầm văn hoá của một dân tộc sống hồn nhiên bên con sông lừng danh thác lũ. Tự bao đời, người Cống gắn liền cuộc đời với mái nhà sàn. Không vững chãi như nhà sàn Mường, không thanh thoát như nhà sàn Thái, nhà sàn của người Cống đơn sơ như chính đời sống của họ.

Trưởng bản Khao Lò Văn Sứ cho biết, với người Cống, hướng nhà phải hợp với gia chủ. Nếu không, thì nhà cũng phải xoay theo hướng nhìn ra sông suối hay thung lũng. Mỗi ngôi nhà chỉ có một cửa chính ra vào và một cửa sổ trổ ngay gian giữa.Vách thưng bằng phên hoặc gỗ tạp. Kết cấu toàn bộ ngôi nhà đều từ gỗ, mây, tre, nứa, lá cọ… và được xây dựng theo mô thức nhà bốn mái. Ở đây, các ngôi nhà đều được rào chắn cẩn thận nhưng hầu như không theo một quy hoạch cụ thể nào.

Khuất nẻo phía Đà giang

Nếp nhà của người Cống bên dòng Đà giang

Sự đơn sơ của những ngày xưa cũ thể hiện thật rõ nét trong ngôi nhà của người Cống hiện tại. Hầu hết những vật gia dụng thiết yếu đều là các sản phẩm thủ công làm từ các nguyên vật liệu tự nhiên cộng với sự khéo léo của đôi tay cùng kinh nghiệm của cha ông để lại. Nó đơn giản như chính kết cấu từ gia đình cho đến cộng đồng của người Cống. Bởi cho đến thời gian gần đây, người Cống còn chưa có sự phân hoá giai cấp và gần như còn sống trong một xã hội thị tộc cổ truyền với sự liên kết trong dòng họ.

Người Cống dù dân số ít, nhưng có tới 13 dòng họ. Mỗi dòng họ có người đứng đầu với chức năng trưởng họ, chủ trì các công việc liên quan tới đời sống tinh thần, đặc biệt là họ Lý. Đây là dòng họ duy nhất được làm chủ lễ “thủ tỷ” cúng rừng cấm vào tháng 3 hàng năm cho người Cống. Được sự cho phép của gia chủ, chúng tôi được tham quan bàn thờ của họ người Lò ở nhà ông Lò Văn Sành. Bàn thờ được đặt trong buồng ngủ gia chủ. Theo phong tục người Cống, mỗi họ khác nhau, sẽ đặt bàn thờ ở các vị trí khác nhau trong nhà.

Bên ngoài mỗi ngôi nhà của người Cống, hễ có treo một tấm váy đen là báo hiệu chủ nhà đã đi vắng. Song song đó, các ta leo mắt cáo cũng báo hiệu nhà có trẻ sơ sinh và nhà đang kiêng khách để mong trẻ em được mạnh khoẻ, hay ăn chóng lớn. Có thể nói, dưới những mái lá đơn, bản sắc văn hoá với những luật tục vẫn được cả cộng đồng duy trì và tôn trọng. Bằng mạch ngầm giao kết ấy, những người Cống sống giữa thiên nhiên đầy bất trắc như dòng sông Đà ngoài kia, mới thấy mình vững vàng hơn với mối dây liên kết vô hình mà vô cùng bền chặt. Và nền tảng của một dân tộc cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Nỗ lực thoát nghèo

So với những người anh em đồng tộc ở Lai Châu, người Cống ở Điện Biên gặp nhiều khó khăn hơn. Tình trạng thiếu đói, chậm phát triển có thể nhận thấy rất rõ ràng tại các bản Cống như Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; Bản Púng Bon, bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên và bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Tuy sống cùng cộng đồng các dân tộc khác, nhưng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan nên nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, mai một về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ đang ngày càng đáng báo động.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, trưởng bản Nậm Kè, Lò Văn Thắng cho biết đây là nơi có 52 hộ đồng bào Cống sinh sống. Cả bản có khoảng 33 ha lúa nước nhưng lúc nào cũng trong tình trạng khô hạn do hệ thống kênh mương dẫn nước từ khe Huổi Thanh nhiều năm nay đã bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa. Thiếu đất sản xuất, ruộng nương manh mún cộng với việc thiếu nước nên mỗi năm đồng bào Cống ở Nậm Kè chỉ làm lúa một vụ nên chỉ đảm bảo được lương thực trong 5 tháng, còn đâu trông chờ vào trợ cấp hoặc sản vật từ rừng. Thu nhập bình quân ước chỉ đạt 100.000 đồng/người/tháng.

Khuất nẻo phía Đà giang

Điệu múa của những thiếu nữ Cống 

Chị Lò Thị Hơn, người dân Nậm Kè 1 cho biết: “Nhà có 8 khẩu, nhưng chỉ có vài sào lúa nước bậc thang, mỗi năm thu được chừng 5, 6 tạ lúa. Có năm mất mùa phải lấy lúa giống để ăn”. Ở các bản còn lại, thực trạng cũng không mấy khả quan khi người dân đang hải đối mặt với rất nhiều cái khó như không có đường vào bản, không điện lưới, nước sạch, không sóng phát thanh - truyền hình và đương nhiên là cả sóng… điện thoại. Tình trạng trai lớn không lấy được vợ dân tộc khác, gái lớn chẳng lấy chồng người ngoài bản nên đành loanh quanh tìm đến với nhau, đẻ ra những đứa con còi cọc, ốm yếu…

Một cái khó khác không thể không kể đến là người Cống hầu như không biết nói tiếng phổ thông nên càng hạn chế trong việc giao tiếp cũng như tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Họ cũng không có chữ viết riêng nên việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa là một thách thức lớn đối với những người tham gia công tác này.

Khó khăn là vậy, nhưng người Cống ở vùng biên giới Điện Biên vẫn lặng lẽ sống đùm bọc, yêu thương nhau và đoàn kết với những dân tộc khác. Người phụ nữ Cống vốn không có truyền thống trồng bông dệt vải nên họ chịu sự chi phối hoàn toàn của trang phục người Thái và người Lào. Bộ trang phục trên người của bà Lò Thị Nói mà chúng tôi gặp trên đường vào bản có màu đen làm chủ đạo. Dù có mượn thêm khăn piêu của người Thái, thế nhưng toàn bộ trang phục không có điểm nhấn để tôn lên sắc vóc của phụ nữ Cống, những người vốn được xem là những bông hoa bên dòng Đà Giang.

Năm 2011, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao 2011 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mang lại một không khí, sức sống mới cho các bản Cống cũng như 88 thôn, bản khác trên 27 xã thuộc 3 tỉnh: Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên.

Điện, đường, trường, trạm được dựng lên, cán bộ lặn lội về từng thôn, bản hướng dẫn đồng bào làm ăn kinh tế. Mỗi dịp lễ hội, các bản Cống lại rộn ràng các làn điệu dân ca, dân vũ. Từng nhịp “ta gơ” háo hức, từng bước chuyển mình vui tươi, căng tràn nhựa sống của các thiếu nữ Cống lại say đắm bên sông…

Dẫu còn nhiều gian khó nhưng người Cống đã và đang có những bước tiến dài trên hành trình thoát ra khỏi đói nghèo. Do cư trú trên địa bàn rộng lớn, là khu vực trọng yếu về an ninh biên giới, sự hiện diện và phát triển của dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch dễ lợi dụng tự do tín ngưỡng và sự nghèo đói về vật chất, tinh thần của người dân để lôi kéo, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn, xã hội.

Tiếp sức cho đồng bào vượt qua đói nghèo, lạc hậu không chỉ là nghĩa vụ đơn thuần mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia, tương trợ của cả cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuất nẻo phía Đà giang