Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành động lực cho sự phát triển của Thanh Hóa và cả khu vực. Hành lang pháp lý thông thoáng, cơ sở hạ tầng đồng bộ cùng với mặt bằng sạch sẽ là điều kiện tốt để Khu kinh tế (KKT) “dọn ổ đón đại bàng”.
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp Thanh Hóa (Ban quản lý) tiếp tục đẩy mạnh cải cach thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhân dân. Công tác quản lý, vận hành hệ thống mạng và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu thông tin và hoạt động chỉ đạo, điều hành. Việc khai thác các phần mềm ứng dụng đạt hiệu quả tốt, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính gắn với tổ chức thực hiện chuyển đổi số.
Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị có kiên quan trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt 7/16 đồ án quy hoạch phân khu, gồm: Khu công nghiệp Tượng Lĩnh; Điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp số 4; Khu công nghiệp số 15; Khu công nghiệp số 16; Khu đô thị số 13; Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hoá; Điều chỉnh cục bộ Khu công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng và 1 nội dung đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn “điều chỉnh để đầu tư xây dựng dây chuyền 3&4 nhà máy xi măng Đại Dương”.
Có 5 đồ án được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, dự toán khảo sát lập quy hoạch gồm: Khu công nghiệp Luyện kim; Khu sinh thái công viên chuyên đề ST- 01; Khu công nghiệp Đa Lộc, huyện Hậu Lộc; Khu công nghiệp Nga Tân, huyện Nga Sơn; Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh.
Bên cạnh đó, 3 đồ án đã trình Sở Xây dựng thẩm định, gồm: Khu sinh thái hồ Khe Lau (ST-05; Khu sinh thái hồ Yên Mỹ (ST-08); Khu công nghiệp Hà Long, huyện Hà Trung. 1 đồ án Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa đã hoàn thiện phương án lập quy hoạch và phối hợp UBND huyện Hoằng Hóa xin ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan.
Tiếp tục triển khai 2 đồ án quy hoạch chi tiết gồm: đồ án QHCT Khu kho tàng KT-01; đồ án điều chỉnh QHCT tỷ lệ 1/500 KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga. Thẩm định, phê duyệt 11 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn; chấp thuận hướng tuyến công trình hạ tầng cho 3 dự án; hoàn thành việc quyết toán cắm mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến giao thông chính trong Khu kinh tế Nghi Sơn; trình phê duyệt kế hoạch cắm mốc theo đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.
Ban quản lý đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho các đoàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu đầu tư; đặc biệt, đã làm việc với các nhà đầu tư để xúc tiến đầu tư các dự án lớn như hạ tầng KCN phía Tây TP Thanh Hóa, KCN Giang Quang Thịnh, KCN Phú Quý, KCN số 6, số 20, số 21 KKT Nghi Sơn; khu bến cảng đảo Mê, các dự án điện gió,... Từ đầu năm 2024 đến nay, có 12 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và có 20 đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu đầu tư.
Về công tác quản lý đầu tư, từ đầu năm 2024 tại KKT Nghi Sơn cấp mới 05 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 511 tỷ đồng; 32 dự án đăng ký điều chỉnh (trong đó có 9 lượt điều chỉnh tăng vốn với số vốn điều chỉnh tăng 10.384 tỷ đồng và 9,7 triệu USD).
Lũy kế đến nay, tại KKT Nghi Sơn đã thu hút được 335 dự án, trong đó có 310 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 169.924 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 76.896 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.831 triệu USD, vốn thực hiện đạt 12.702 triệu USD.
Đồng thời, Ban quản lý đôn đốc, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Phú Quý; Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa; Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa.
Tổ chức nhiều hội nghị đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự lớn, trọng điểm như: Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn; Dự án hạ tầng KCN số 3, số 17, số 20, Đồng Vàng, Luyện Kim; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; Cảng Container Long Sơn; Cảng tổng hợp Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Nhà máy sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương; Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam,...
Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp trên giao, Ban quản lý phối hợp với Công đoàn KKTNS&KCN tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến hơn 70 nghìn lượt người lao động. Nội dung tuyên truyền những nội dung trọng tâm, liên quan mật thiết với doanh nghiệp, người lao động. Trong những tháng đầu năm 2024 phát triển thêm 12 công đoàn cơ sở với khoảng hơn 900 đoàn viên. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn đã thành lập được 170 Công đoàn cơ sở với 87.300 đoàn viên.
Ban quản lý đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Thường xuyên phối hợp với Chi Cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn xác nhận, tổng hợp số lượng container xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn.
Hỗ trợ hãng tàu và doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ để được hưởng hỗ trợ kinh phí theo quy định của Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND; cung cấp các thông tin cho các hãng tàu, doanh nghiệp đến nghiên cứu tìm hiểu đầu tư mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Cảng biển Nghi Sơn có 2 hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế và trung chuyển nội địa.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 tại KKT Nghi Sơn và các KCN: giá trị sản xuất sản xuất ước đạt: 278.452 tỷ đồng bằng 118% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 28.500 tỷ đồng bằng 124% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.200 triệu USD bằng 97% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu ước đạt 7.765 triệu USD bằng 110% so với cùng kỳ năm 2023; giải quyết việc làm cho 100.100 lao động; thu nhập bình quân người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng.