Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học

Xuân Diệp| 01/01/2018 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Bộ GD-ĐT có công văn số 6122/BGDĐT-TĐKT về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh.

Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục", trong những năm qua, toàn Ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và bệnh thành tích; tích cực đổi mới, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích như: thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại; nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng; cào bằng, dễ dãi trong suy tôn; che dấu hạn chế, yếu kém; áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế; tổ chức trao thưởng phô trương, hình thức, lãng phí làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, uy tín của Ngành và sự công bằng trong giáo dục.

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học; trường cao đẳng, trường trung cấp có đào tạo giáo viên (gọi chung là cơ quan, đơn vị) thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Cụ thể như sau các nhiệm vụ như sau:

1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.

2. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục cho từng năm học, từng học kỳ, bảo đảm thực chất, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

3. Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh; không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị.

4. Thực hiện tốt kỷ cương, nền nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy, học và bệnh thành tích trong giáo dục.

5. Xây dựng và công bố công khai các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, có đầy đủ cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị; thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất; cổ vũ, động viên, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tạo môi trường lành mạnh và sự đồng thuận trong nhà trường và cả xã hội để phát triển giáo dục.

Khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức; là giải pháp quan trọng để tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành nghiêm túc triển khai thực hiện, định kỳ hàng quý, kết thúc học kỳ 1 và kết thúc năm học báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để kịp thời chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học