Chỉ trong quý I năm 2019, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 1111 đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến, tư vấn cho gần 6.800 ca, can thiệp hơn 200 ca. Trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 30%.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Riêng tại Hà Nội, có 365 vụ với 313 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế con số này còn lớn hơn vì chỉ những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Ngoài ra, gia đình và nạn nhân không tố giác, vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến cuộc sôngs của các trẻ em và gia đình.
Thực tiễn cho thấy, khi các em bị xâm hại, người thân lúng túng trong việc trình báo, cơ quan chức năng chưa có qui chế phối hợp khiến việc tiếp nhận xử lý chậm. Không ít vụ xâm hại trẻ em thường được phát hiện rất chậm, các cơ quan chức năng có chức năng bảo vệ trẻ lại rơi vào thế bị động, chỉ khi các phương tiện truyền thông đưa tin thì địa phương, tổ chức về trẻ em mới biết và giải quyết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng việc thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em ở các xã, vì vậy việc nắm bắt thông tin, nắm bắt điều kiện sinh sống của gia đình có trẻ nhỏ và việc thực hiện những quy định trong Luật Trẻ em đang có những trở ngại nhất định. Do vậy, việc phát hiện kịp thời những trẻ em có bị bạo lực bị xâm hại, bị bạo hành là khó.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc. Đáng lo nhất là rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng người nhà chưa phát hiện hoặc không tố giác lên cơ quan chức năng.
Ngoài ra, những khoảng trống trong pháp luật cũng đã khiến không ít vụ việc xâm hại trẻ em khó trong quá trình điều tra, thu thập bằng chứng hay tố tụng.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thống nhất thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào năm 2020”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các địa phương tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát trong đó báo cáo rõ tình hình giai đoạn 2015 -2019, làm rõ thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan, hướng giải quyết và xu hướng gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó rút ra đánh giá nhận định bảo đảm khách quan. Trong quá trình giám sát trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp gặp gỡ đối tượng, xuống tận cơ sở để nắm tình hình.
“Đối với tội phạm xâm hại trẻ em, chúng ta không thỏa hiệp, không có vùng cấm”. Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu khi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình kiến nghị, cần quy định bắt buộc ngành giáo dục - đào tạo phải đưa tất cả các nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em vào chương trình chính khóa trong trường học, thay vì ngoại khóa như hiện nay. Đây là kiến thức cần thiết của trẻ em, là hành trang của trẻ em bước vào đời. Song song với đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi, tăng nặng khung hình phạt và có chế tài xử lý thật nghiêm.